Các thuốc thiếu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai gồm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum.
Thuốc giải độc có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên khi những thuốc đặc hiệu bị thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế, rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh.
Vì vậy thông tin thiếu thuốc giải độc tại Bệnh viện Bạch Mai khiến người dân không khỏi lo ngại.
Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước.
Sau khi tiến hành rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan đến sử dụng thuốc này, nhưng nhiều khi đột xuất lại có nhiều ca bệnh.
Hiện nay, các thuốc hiếm như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân... hiện chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ cố định. Trong khi đó các công ty nhập khẩu kinh doanh cũng rất ít khi nhập khẩu dự trữ sẵn.
Thời gian trước đây, nhiều bệnh nhân ngộ độc pate chay, Việt Nam cũng không có dự trữ sẵn thuốc giải ngộ độc botulinum, phải nhờ đến Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ.
Theo ông Cơ, hiện bệnh viện đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc.
Đồng thời, bệnh viện cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc ở 3 miền để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng.
Ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục thuốc giải độc ở Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý Dược có giải pháp hỗ trợ và cung cấp đủ thuốc cho Trung tâm Chống độc.
Sáng nay, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, phòng chuyên môn của Cục vừa làm việc với Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.
Theo Thông tư 26/2021/TT-BYT, thuốc giải độc là thuốc hiếm. Do đó, sau khi bệnh viện lập đơn hàng khẩn cấp, Cục Quản lý Dược sẽ giải quyết trong vòng 24-72 giờ tùy theo sự sẵn có của mặt hàng.
Cục Quản lý Dược đang hướng dẫn bệnh viện khẩn trương lập đơn hàng, tìm kiếm nguồn cung để đưa vào điều trị cho người bệnh.