Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại thành phố Strasbourg, Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ đóng góp thêm 4 tỷ euro tài chính khí hậu từ nay đến năm 2027.
Tuy nhiên, bà Von der Leyen nhấn mạnh rằng, Mỹ và các đối tác của EU cũng cần phải tăng cường mức đóng góp cho mục tiêu chung.
“Điều này rất quan trọng, bởi việc thu hẹp khoảng cách tài chính khí hậu giữa Mỹ và EU sẽ là 1 tín hiệu mãnh mẽ cho vai trò lãnh đạo khí hậu toàn cầu,” Chủ tịch EC nói.
Theo bà Von der Leyen, mức đóng góp tài chính khí hậu của EU hiện đang là 25 tỷ USD mỗi năm.
Tài chính khí hậu dự kiến sẽ là một vấn đề then chốt tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) của Liên hợp quốc vào tháng 11 tới, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nỗ lực thực hiện các cam kết nhằm cắt giảm khí thải nhanh hơn và ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu khốc liệt.
Trong bối cảnh chỉ còn 7 tuần nữa là đến COP26, tài chính vẫn đang là 1 vấn đề nhức nhối. Các nước phát triển đã thất bại trong việc thực hiện cam kết năm 2009 về việc cùng huy động 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020 để hỗ trợ các nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu.
Một số quốc gia đang phát triển cho biết, nếu không có sự hỗ trợ đó, họ không thể thực hiện các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết để giúp nền kinh tế thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển dịch sang năng lượng sạch, cũng như là củng cố cơ sở hạ tầng để đối phó với tình trạng bão, lũ và nước biến dâng ngày càng nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), EU và các nước thành viên của khối hiện đang là nhà cung cấp tài chính khí hậu lớn nhất cho các quốc gia đang phát triển.