Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến chở khách từ ngày 6/11

NDO -

Ngày 4/11, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn thông tin, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và TP Hà Nội, dự kiến sáng 6/11 sẽ tổ chức lễ tiếp nhận bàn giao để đưa tuyến đường sắt Cát Linh Hà - Đông (tuyến 2A) vào khai thác vận hành sau 10 năm đầu tư thi công xây dựng.

Hà Nội là đơn vị vận hành khai thác. Tại thời điểm tiếp nhận bàn giao, TP Hà Nội đã thống nhất Bộ Giao thông vận tải là sẽ khai thác vận hành ngay giai đoạn đầu, dự kiến là 1 năm. Đến thời điểm này, thành phố cơ bản hoàn thành các nội dung, nguồn lực cũng như các khối lượng công việc.

Thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt kế hoạch vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn đầu chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một (sáu tháng đầu) dự kiến vận hành khai thác từ ngày 6/11 với 6 đoàn tàu, tần suất 10 phút/chuyến. Trong 6 tháng tiếp theo sẽ chạy liên tục 9 đoàn tàu, khai thác tối đa 100% công suất.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong ngày bàn giao, công ty đã chuẩn bị số lượng xe buýt để phục vụ việc đi lại của người dân và thực hiện giải tỏa khi cần thiết. Trong 15 ngày đầu, sẽ có 2 loại tàu hoạt động, trong đó là 3 chuyến tàu tham quan chạy suốt tuyến, không dừng đỗ tại các ga. Những tàu còn lại là để phục vụ nhu cầu đi lại thông thường của người dân.

Trong những ngày miễn phí, khách đi tàu được phát thẻ miễn phí. Số thẻ này sẽ được thu lại vào cuối ngày để công ty tính đếm, làm căn cứ báo cáo số lượng khách đi lại mỗi ngày.

Báo cáo thành phố, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, về kết cấu hạ tầng xe buýt, đến thời điểm hiện tại, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị 2A đã bố trí tổng cộng 55 tuyến buýt trợ giá hoạt động, bao gồm cả kết nối dọc và kết nối ngang.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu: “Trong quá trình vận hành, các quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn cho hành khách cần được chú ý và không được có sai sót, chủ quan. Bên cạnh đó là theo dõi sát sao, đánh giá cụ thể đối với nhu cầu sử dụng đường sắt đô thị của người dân. Lắng nghe ý kiến đóng góp về quá trình phục vụ của nhân viên tại các ga nhằm đạt được sự hài lòng cao nhất của người dân. Mặt khác, về công tác tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, các đơn vị có chức năng tổ chức cần điều chỉnh, báo cáo thành phố ngay nếu phát sinh vấn đề chưa hợp lý”.