Đừng đánh mất lòng tự trọng

Không ai có thể tưởng tượng chỉ vì tranh nhau vào công viên vui chơi miễn phí mà Công viên nước Hồ Tây ngày 19-4 trở nên hỗn loạn đến thế. Đầu giờ sáng chỉ sau hơn một giờ mở cửa, hàng chục nghìn người đổ đến công viên, dẫn đến quá tải, khiến Ban Tổ chức buộc phải đóng cửa. Mặc cho nguy hiểm, hàng trăm người trèo qua hàng rào bằng thép cao tới 2m để lọt vào. Bên trong công viên tình trạng lộn xộn không kém. Từ khu vực thay đồ, cho đến bể bơi và các khu vực vui chơi giải trí khác đều đông nghẹt người. Một số cô gái bị đám đông trêu đùa đến mức tuột cả áo tắm, có người ngất xỉu. Thay vì giúp đỡ người yếu thế, một số người hò reo, lấy điện thoại ra... ghi hình.

Hà Nội tự hào với nếp sống văn minh, thanh lịch. Thành phố cũng có nhiều cuộc vận động người dân giữ nét thanh lịch Tràng An. Ngành giáo dục và đào tạo còn đưa vào giảng dạy giáo trình về nếp sống thanh lịch cho học sinh. Người Hà Nội xưa coi trọng nét ứng xử từ trong nhà ra đến xã hội. Nhưng những gì xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây khiến ta phải nhìn nhận lại văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ công dân Thủ đô. Không chỉ có những bạn trẻ mà nhiều bậc phụ huynh bất chấp nguy hiểm, bồng bế con nhỏ trèo qua hàng rào sắt để vào công viên. Còn nhớ thời bao cấp, khi ấy, việc xếp hàng rất phổ biến với mọi người. Trước mỗi cửa hàng mậu dịch luôn có hàng dài người chờ mua hàng. Có khi phải xếp hàng cả buổi mới đến lượt mình. Nhưng rất hiếm có tình trạng chen lấn, xô đẩy. Mọi việc cứ tuần tự diễn ra như thế. Nó là hiện thân cho nếp sống vốn có của người Việt mà cha ông ta đã đúc kết: "Đói cho sạch, rách cho thơm".

Sự việc xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây khiến ta nhớ đến vụ chen lấn, xô đẩy giành đồ ăn miễn phí vào năm 2013. Khi ấy, một cửa hàng trên phố Đoàn Trần Nghiệp (quận Hai Bà Trưng) quảng bá thương hiệu bằng cách tặng 460 suất đồ ăn miễn phí cho khách hàng. Nhưng hàng nghìn thực khách đã đổ đến gây ách tắc giao thông cả khu vực. Nhiều bạn trẻ xông vào, tranh cướp đồ ăn từ nhân viên phục vụ, tạo nên hình ảnh hết sức phản cảm. Trước đó là những vụ "cướp hoa" ở Hội hoa Xuân ngay bên không gian linh thiêng hồ Hoàn Kiếm; là hình ảnh những cây hoa anh đào tan nát ngay khi vừa khai mạc lễ hội Hoa anh đào... Phải khẳng định rằng, những người đến Công viên nước Hồ Tây hay đến cửa hàng đồ ăn miễn phí... không phải là những người quá khốn khó, đến mức không đủ tiền để trả cho tấm vé vào cửa hay một bữa ăn. Họ giành được một suất ăn, một suất bơi miễn phí vì tâm lý ăn thua, hoặc vì hội chứng đám đông, song họ đã tự đánh mất những giá trị lớn hơn rất nhiều. Đó là lòng tự trọng của con người.

"Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất thanh, nhất sắc kinh kỳ Tràng An". Người Hà Nội lâu nay luôn coi trọng từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ. Còn rộng hơn, đối với người Việt, cha ông ta cũng có nhiều lời răn dạy về hành vi ứng xử. Đừng nghĩ xây dựng nếp sống văn hóa là của một ai đó, của chính quyền, của cán bộ văn hóa hay của những nhà nghiên cứu... Mỗi người chúng ta đang góp một viên gạch vào một công trình lớn. "Công trình" đó có tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng viên gạch ta đang góp vào.

Có thể bạn quan tâm