Những năm gần đây, thành phố đã tập trung đầu tư, nâng cấp nhiều vườn hoa để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên có tình trạng một số vườn hoa sau khi được cải tạo, với nhiều người dân trong khu vực, giá trị bị giảm đi rất nhiều, bởi trong quá trình cải tạo, hàng loạt cây bóng mát lâu năm ở vườn hoa đã được đánh chuyển đi nơi khác. Nhiều diện tích vốn được trồng hoa, thảm cỏ được dỡ bỏ, thay vào đó là một số ít cây bóng mát mới, phía gốc cây trồng một ít cây xanh. Những bồn cây được tận dụng làm ghế đá cho công viên, nhưng bị thiết kế cứng nhắc, khiến chúng trở thành những khối bê-tông nặng nề.
Thời gian qua, Hà Nội đã cải tạo nâng cấp nhiều công viên, vườn hoa như: Vườn hoa Diên Hồng, vườn hoa Tao Đàn, vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm), vườn hoa Pasteur (quận Hai Bà Trưng)… Trong đó, một số vườn hoa sau khi cải tạo có xu hướng tăng bê-tông, giảm cây xanh.
Mới đây, quận Hai Bà Trưng đề xuất xây dựng năm quảng trường quanh hồ Thiền Quang. Trong đó, phần diện tích bê-tông dự kiến tăng lên, khiến rất nhiều người lo ngại.
Hiện nay, tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng 2 m2/người, còn cách rất xa quy chuẩn tỷ lệ cây xanh đô thị tối thiểu khoảng 6-7 m2/người ở các đô thị loại 1, đô thị loại đặc biệt. Tuy nhiên việc xây mới công viên, vườn hoa ở khu vực các quận trung tâm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất; cho nên thành phố chủ yếu cải tạo, nâng cấp các vườn hoa, công viên hiện có. Thành phố nỗ lực tăng diện tích cây xanh bằng cách trồng hệ thống cây đa tầng tán tại dải phân cách giao thông; bổ sung cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa vào những đoạn có vỉa hè rộng… Trong bối cảnh đó, thì việc công viên chuyển đổi diện tích trồng cây xanh thành… diện tích bê-tông là đi ngược xu thế chung.
Tác hại của việc bê-tông hóa thì ai cũng biết. Mùa hè, những khối bê-tông này sẽ hấp thụ rồi tỏa nhiệt, gây khó chịu cho người đi lại. Nhiều nước trên thế giới có quy chuẩn về xây dựng công viên, vườn hoa, trong đó những phần xây dựng được giảm tới mức thấp nhất. Thậm chí, tại các công viên, vườn hoa, nhiều quốc gia còn quy định cả việc để đất trống, trồng cỏ để thấm hút nước mưa tự nhiên, không tạo ra dòng chảy xói lở, ngập úng cục bộ; sử dụng gạch lát, cách thức lát gạch để cho đất “thở”, thí dụ như sử dụng gạch có lỗ để cây cỏ mọc được - mục đích cuối là hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Câu chuyện bê-tông hóa vườn hoa, công viên cần được rút kinh nghiệm không chỉ tại Hà Nội mà còn tại tất cả các đô thị khác. Cách làm này vừa gây tác hại cho môi trường, vừa khiến chi phí cải tạo, xây dựng đội vốn lên rất nhiều.