Rừng dừa nước Bảy Mẫu đang bị... bê-tông hóa!

Trong những năm gần đây, du khách đến tham quan rừng dừa nước Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) mỗi ngày một đông. Tuy nhiên, do sự phát triển thiếu bài bản và buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, nên một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh vì lợi ích trước mắt mà cố tình lấn chiếm, xây nhiều công trình du lịch trái phép làm phá vỡ cảnh quan môi trường và có nguy cơ biến rừng dừa xanh thành những mảng bê-tông, cốt thép…

Tình trạng xây kè lấn chiếm rừng dừa Bảy Mẫu diễn ra ào ạt ở nhiều nơi.
Tình trạng xây kè lấn chiếm rừng dừa Bảy Mẫu diễn ra ào ạt ở nhiều nơi.

Địa phương buông lỏng?

Rừng dừa Bảy Mẫu đẹp nổi tiếng ở Quảng Nam rộng khoảng hơn 120 ha, nằm ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Đây là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và được coi là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở thành phố Hội An.

Theo thống kê của ngành du lịch, bình quân mỗi ngày có khoảng 200 lượt khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn rừng dừa Bảy Mẫu. Vào những ngày lễ, Tết, số lượng khách tới đây lên đến cả nghìn lượt người. Đây là tín hiệu vui cho ngành “công nghiệp không khói” ở Quảng Nam. Vậy nhưng sự phát triển du lịch sinh thái ào ạt, thiếu quản lý chặt chẽ từ chính quyền địa phương đã làm cho rừng dừa nước vốn bình yên, trở nên xáo trộn, đứng trước nguy cơ biến dạng.

Lãnh đạo thành phố Hội An cho biết, chủ trương khai thác du lịch kết hợp nuôi trồng thủy sản khu vực rừng dừa Bảy Mẫu của thành phố là nhằm tạo điều kiện để cộng đồng cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, do việc quản lý thiếu chặt chẽ nên thay vì chỉ được phép mở các dịch vụ ăn uống trên mặt hồ bằng các vật liệu tranh tre, nứa lá, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã lợi dụng giấy phép được cấp tự ý cơi nới, lấn chiếm, xây dựng các công trình kiên cố bằng bê-tông, cốt thép… trái phép giữa rừng dừa ngập mặn làm thu hẹp diện tích rừng dừa nước, phá vỡ cảnh quan môi trường.

Rừng dừa nước Bảy Mẫu đang bị... bê-tông hóa! ảnh 1

Diện tích dừa nước bị thu hẹp do phát triển du lịch thiếu bài bản.

Vào thời điểm giữa tháng 5, có dịp theo chân người dân ở địa phương vào sâu bên trong rừng dừa nước Bảy Mẫu, chúng tôi bất ngờ nhận ra tại rừng nước nằm ở khu vực thôn Thanh Tam Đông và thôn Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh) mới năm nào đây còn bình yên, giờ bị các doanh nghiệp lấn chiếm, “xẻ thịt” không thương tiếc. Họ xây kè, xây nhà hàng, quán nhậu và cả biệt thự trên diện tích nuôi tôm, lấn át cả rừng dừa nước, gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Nhiều người dân địa phương cho biết, chỉ tính riêng tại thôn Vạn Lăng đã có đến cả chục doanh nghiệp xây dựng công trình làm ảnh hưởng rừng dừa nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Dũng thừa nhận, hầu hết các trường hợp xây dựng nhà hàng, biệt thự trong khu vực rừng dừa Bảy Mẫu đều chưa được cấp phép. Ông Dũng cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do chính quyền xã Cẩm Thanh cũng như Phòng Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không giám sát chặt chẽ việc triển khai các dự án du lịch để doanh nghiệp và các hộ kinh doanh lợi dụng giấy phép để xây dựng công trình kiên cố không đúng quy định. Sắp đến, UBND thành phố sẽ rà soát và kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng không có giấy phép. Theo đó, sẽ buộc các cá nhân, đơn vị vi phạm phải nộp phạt, tháo dỡ công trình xây dựng không phép, khôi phục lại hiện trạng như ban đầu. Trong đợt kiểm tra mới đây, các cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm trong việc xây dựng công trình lấn chiếm dòng sông và rừng dừa trái phép.

Không nhanh sẽ mất nhiều hơn

Theo TS Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), rừng dừa nước Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh không chỉ là lá chắn các loại rác thải từ sông Thu Bồn đổ ra biển, mà đây còn là vùng sinh trưởng, sinh sản của các loại thủy hải sản nước mặn, nước lợ như: cá mú, cá dìa, tôm, cua... Nơi đây có đến 92 loài thủy sản; trong đó, nhiều nhất là cá chình và mòi cờ. Hằng năm, sau mùa sinh sản, không ít loài ở vùng đệm này di cư ra vùng lõi Cù Lao Chàm, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học cho khu dự trữ sinh quyển thế giới. Do vậy, nếu rừng dừa này bị tác động vô tội vạ như thế này thì không chỉ đánh mất vẻ đẹp cảnh quan, mà sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác rừng trong chiến lược phát triển du lịch của thành phố Hội An còn nhiều bất cập. Các tour tuyến khám phá rừng dừa đều tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể nên đã tác động xấu đến rừng dừa. Việc du khách xâm nhập sâu vào rừng dừa, vào tận khu vực các bãi đẻ, bãi giống của các loài sinh vật đã phá đi tính hoang sơ và làm ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên thủy sản và đa dạng sinh học của rừng dừa Bảy Mẫu. Chính việc sử dụng đất tại Cẩm Thanh chưa được quy hoạch rõ ràng giữa các khu vực bảo tồn, khu vực dân cư, chưa xử lý các vấn đề môi trường nên việc khai thác dừa nước thời gian qua thiếu bền vững, khiến rừng dừa bị thu hẹp.

Rừng dừa nước Bảy Mẫu có vị trí rất quan trọng đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, đây là nơi diễn ra các quá trình giao lưu giữa lục địa và đại dương. Có thể nói rằng, toàn bộ những vật chất, đa dạng sinh học từ hạ nguồn và đại dương đều sẽ thông qua khu vực này. Việc phát triển ổn định rừng dừa nước tại Cẩm Thanh góp phần giảm ô nhiễm, bảo vệ làng mạc, ghe thuyền vào trú tránh trong mùa mưa bão. Vì thế, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, thành phố Hội An đã trồng mới thêm vài chục ha dừa nước ở khu vực xã Cẩm Thanh để bảo vệ môi trường. Nhưng cũng thật xót xa khi chính tại đây lại để xảy ra tình trạng phá dừa tự nhiên một cách vô tội vạ phục vụ cho du lịch. Người dân lo lắng, nếu chính quyền địa phương không kịp thời ngăn chặn, xây dựng quy hoạch và các giải pháp một cách bài bản nhằm hướng tới hài hòa giữa bảo tồn và phát triển thì một ngày không xa, rừng dừa Bảy Mẫu sẽ còn lại trong ký ức mà thôi...

 Thực tế cho thấy, việc khai thác dừa nước làm du lịch thiếu bài bản đã làm phương hại đến các mục tiêu khác. Có ý kiến cho rằng, hiện nay, muốn dẫn dụ chim về thì cần phải có độ phủ đủ lớn của rừng dừa và sự yên tĩnh. Nhưng sự phát triển các hoạt động dịch vụ ào ạt trong rừng dừa đã gây tiếng ồn, làm xáo trộn, mất đi vẻ đẹp hoang sơ của tự nhiên thì làm sao các đàn chim “dám về”.