Việc thông qua luật nhập cư lao động lành nghề mới phản ánh quyết tâm cải tổ sâu rộng chính sách nhập cư của Đức nhằm thu hút lao động có tay nghề từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU), góp phần lấp lỗ hổng nhân lực trầm trọng của nước này. Áp dụng “Thẻ cơ hội” là một phần của đạo luật nêu trên, có hiệu lực từ đầu tháng 6/2024. Thông qua một hệ thống điểm chi tiết, có tính đến các yếu tố như kinh nghiệm chuyên môn, trình độ học vấn, kỹ năng ngôn ngữ..., “Thẻ cơ hội” tạo điều kiện cho lao động có tay nghề từ nước ngoài đến Đức tìm kiếm việc làm.
Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội các phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Peter Adrian cho rằng, để được cấp “Thẻ cơ hội”, các ứng viên phải đáp ứng quá nhiều yêu cầu. Dù đánh giá cao luật nhập cư lao động lành nghề mới, ông Adrian nhận định, cách tiếp cận này còn quá phức tạp và khó có thể giúp thu hút thêm nhiều lao động lành nghề từ nước ngoài đến với nền kinh tế Đức, vốn đang có khoảng 1,8 triệu vị trí việc làm để trống. Đồng quan điểm nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm khẳng định cần cải thiện việc thực thi luật nhập cư lao động lành nghề mới.
Theo các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Đức, quốc gia châu Âu này cần hình thành và mở rộng “văn hóa chào đón” lao động từ nước ngoài. DIHK cho biết, sự hình thành “văn hóa chào đón” có thể bắt đầu bằng việc cấp thị thực nhập cảnh dễ dàng hơn đối với những người muốn đến Đức làm việc và sau đó là cung cấp nhà ở và dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt hơn. Còn BDI đề xuất rằng, các đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Đức ở các quốc gia khác cần truyền tải mạnh mẽ thông điệp về nước Đức luôn mở rộng cánh cửa chào đón lao động quốc tế.
Thiếu lao động đang là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất với nước Đức
Theo ước tính, già hóa dân số làm cho Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động lành nghề vào năm 2035. Hiệp hội kỹ thuật số Bitkom cảnh báo, tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay, lên mức thiếu 663.000 người vào năm 2040 nếu các nhà hoạch định chính sách không thực hiện các biện pháp ứng phó thích hợp.
Như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức cũng đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa gia tăng, yếu tố tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), năm 2023, có khoảng 693.000 trẻ em sinh ra tại Đức, mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu về xây dựng, đô thị và phát triển không gian của nước này dự báo, vào năm 2045, số người nghỉ hưu tăng 13,6% so với hiện nay.
Một nghịch lý đang xảy ra với thị trường lao động Đức là tỷ lệ thất nghiệp của nước này được dự báo gia tăng, trong khi nền kinh tế đầu tàu châu Âu lại khan hiếm trầm trọng lao động lành nghề ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe. Viện nghiên cứu Kinh tế Đức (IW) ước tính, số người thất nghiệp ở Đức trong năm nay là khoảng 2,8 triệu người, mức cao nhất kể từ năm 2015. Tuy nhiên, không phải tất cả những người thất nghiệp này đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động trình độ cao để hướng tới quy trình sản xuất số hóa hiện đại và thân thiện với môi trường.
Việc Đức thúc đẩy chính sách hấp dẫn hơn nhằm thu hút lao động nhập cư lành nghề nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ Đức đang nghiên cứu cung cấp các ưu đãi tài chính cho những người muốn làm việc lâu hơn và linh hoạt hơn khi về già, cũng như tập trung cải thiện chính sách giáo dục-đào tạo để khai thác tốt nhất tiềm năng của lực lượng lao động trẻ.