Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ đại biểu Hoài Đức) cho rằng, chỉ số PAPI, SIPAS của Hà Nội những năm gần đây còn thấp phản ánh sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính chưa cao. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, các biện pháp khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ đại biểu Hoàn Kiếm) đặt câu hỏi: hiện tượng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè bán hàng rong vẫn tồn tại trên nhiều tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến người và các phương tiện tham gia giao thông, đề nghị lãnh đạo UBND TP cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, sau khi thành phố ban hành hai bộ quy tắc ứng xử năm 2017, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, cơ quan thường trực của đoàn kiểm tra công vụ của thành phố, Sở đã tham mưu UBND thành phố cụ thể hóa các nội dung kiểm tra công vụ, trong đó thực hiện quy định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công với công dân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; các quy định liên quan đến công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư; nhiệm vụ quyền hạn trong thực thi công vụ quyền hạn của công chức, viên chức và người lao động; kỷ luật kỷ cương, chấp hành giờ làm việc của người lao động; tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị; nhất là việc định kỳ đánh giá xếp loại hàng tháng của công chức, viên chức và người lao động…
Từ năm 2018 đến nay, Sở Nội vụ đã kiểm tra công vụ đột xuất 124 cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có chín sở, 10 đơn vị thuộc sở, bẩy UBND cấp huyện, 91 UBND cấp xã…
Qua kiểm tra cho thấy đã có sự chuyển biến rõ nét. Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các nội dung về quy tắc ứng xử. Công tác tiếp dân được quan tâm, việc giải quyết hồ sơ hành chính đã có tỷ lệ đúng hẹn được nâng lên, đối với các hồ sơ chậm, muộn đã thực hiện nghiêm việc ban hành thư xin lỗi với tổ chức, công dân; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn qua các năm được nâng lên. Năm 2017 đạt tỷ lệ 95%, năm 2018 là 97,3%, và năm 2019 là 98,8%, 10 tháng năm 2020 là 99,8%.
Về kết quả giải quyết hồ sơ hành chính, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đã được nâng lên rõ rệt. Rõ nhất là chỉ số cải cách hành chính của thành, năm 2015 thành phố đứng thứ 9 về chỉ số cải cách hành chính, năm 2016 đứng thứ ba và từ 2017 đến nay, thứ hạng cải cách hành chính của thành phố đều duy trì ở vị trí đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Trả lời làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, một số nơi, số chỗ việc thực hiện các Quy tắc ứng xử chưa hiệu quả là do công tác tuyên truyền chưa đa dạng, liên tục để người dân nắm rõ và thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng trách nhiệm thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan truyền thông và cơ sở để làm sao tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, liên tục. Chính quyền cơ sở phải vận động để người dân thực hiện các nội dung Quy tắc ứng xử.
Việc còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa liên tục; chế tài xử phạt chưa mạnh, triệt để. Cần tăng cường tuyên truyền, tăng cường xử lý vi phạm theo quy định.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn về thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, sau khi thành phố ban hành hai bộ quy tắc ứng xử, công tác lãnh đạo chỉ đạo rất tập trung, trong đó Thành ủy có các đoàn kiểm tra, HĐND có phiên giải trình…, qua đó đánh giá Chương trình số 04 của Thành ủy được triển khai thực hiện rất nghiêm túc, hoạt động văn hóa được quan tâm.
HĐND thành phố giám sát việc các đơn vị thực hiện Kết luận 04 của thành phố tại phiên giải trình; từ đó UBND thành phố đã bám sát kết luận này. Đến nay, nhiều nội dung tại kỳ giải trình lần trước còn yếu, thì tại kỳ chất vấn này có chuyển biến tích cực, chuyển biến từ trong nhận thức.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND thành phố lưu ý còn một số tồn tại trong công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là ở nơi công cộng về thực hiện hai quy tắc ứng xử và đề nghị thời gian tới, thành phố cần đánh giá lại bốn năm thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử, xem hiệu lực, hiệu quả và các giải pháp đã làm, cần bổ sung hay điều chỉnh để phù hợp điều kiện mới.
UBND thành phố cũng cần nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm; đồng thời tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí tuyên truyền, tổ chức đoàn thể, đưa vào Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội để việc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự hiệu quả.
Phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã siết chặt kỷ cương hành chính; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất.
Thành phố đưa việc thực hiện hai quy tắc ứng xử vào cuộc sống, trở thành nền nếp trong sinh hoạt, công tác hằng ngày của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô.