UBND thành phố Hà Nội vừa có Báo cáo số 331/BC-UBND về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.
Báo cáo nêu rõ, các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 04/2017/NQ- HĐND đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, bảo đảm chất lượng và tiến độ, bước đầu phát huy hiệu quả. Việc triển khai của UBND thành phố thời gian qua nghiêm túc, kịp thời và đồng bộ. Quá trình thực hiện đã hoàn thành phần lớn các nhiệm vụ, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đã đề ra trong Nghị quyết, thành phố đã khắc phục được 63 điểm ùn tắc giao thông. Các điểm ùn tắc giao thông phát sinh chủ yếu tập trung tại các công trường đang thi công các công trình đầu tư xây dựng, sẽ được khắc phục khi công trình hoàn thành.
Từ khi ban hành Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND đến nay, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố liên tục giảm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), cụ thể giảm 141 vụ (11,42%), giảm 44 người chết (9,15%), giảm 157 người bị thương (15,94%).
Vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư. Đến nay, thành phố đã có 126 tuyến xe buýt hoạt động. Trong đó, có 16 tuyến buýt được mở mới sau khi ban hành Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND. Mạng lưới xe buýt đã bao phủ địa bàn 30 quận, huyện, thị xã, tiếp cận được 453 xã, phường, thị trấn và 66 bệnh viện, 296 các trường THPT và THCS, 32 các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, kết nối với bẩy tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô.
Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ quyết liệt các nhóm nhiệm vụ giải pháp đã được nêu trong Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐND. Trong đó, tập trung chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo hướng gắn quy hoạch phát triển đô thị với việc phát triển hạ tầng giao thông và ưu tiên hạ tầng giao thông đi trước một bước. Xác định công trình trọng điểm, ưu tiên những danh mục dự án phục vụ kết nối giao thông giải quyết ùn, tắc giao thông, các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện xây dựng đề án mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng và chuẩn bị các điều kiện thực hiện dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải nhằm hiện đại hóa, tiến tới công khai minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Phát huy tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đáng chú ý, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thành hai đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường và phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm thành Phố. Tiếp tục triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ, từng bước tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng văn hóa giao thông Thủ đô.