Lễ công bố được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với 10 điểm cầu huyện, thành phố và 161 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Cao Bằng.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, thực hiện chủ trương lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực bố trí nguồn lực, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trong đó việc thúc đẩy xã hội số bao gồm: công dân số, kết nối số và văn hóa số. Bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
Chuyển đổi số phục vụ người dân tốt nhất
Tại buổi lễ hôm nay, 2 nền tảng số được công bố, đi vào vận hành nhằm kết nối, hình thành kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền thông qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Nền tảng Công dân số Cao Bằng với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân thông qua điện thoại thông minh gửi phản ánh, đề xuất, kiến nghị nhanh nhất, đơn giản nhất đến chính quyền để được tiếp nhận và giải quyết kịp thời. Đồng thời, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan...
Nền tảng Nông dân Việt Nam là công cụ điều hành, quản lý, kết nối, phục vụ hoạt động của các cấp Hội Nông dân và Hội viên...
Với mục đích, ý nghĩa đó, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp viễn thông, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về 2 nền tảng chuyển đổi số đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn biết, hưởng ứng tham gia, thực hiện.
Quang cảnh buổi lễ. |
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng, Nông Thị Thanh Huyền chia sẻ, việc đưa vào hoạt động nền tảng Công dân số tại Cao Bằng nhằm tăng cường kết nối, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, thúc đẩy cải cách hành hành chính thông qua phục vụ các dịch vụ công trực tuyến; giúp người dân, doanh nghiệp phản ánh kiến nghị đến chính quyền các cấp và theo dõi quá trình giải quyết, kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị đó...
Đây là công cụ quan trọng giúp hiện đại hóa quản lý hành chính và thúc đẩy sự kết nối, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp. Việc triển khai nền tảng Công dân số Cao Bằng sẽ thiết thực hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự minh bạch, hiệu quả trong mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và các đơn vị đã thực hiện nghi thức nhấn nút, chính thức khai trương, đưa vào hoạt động 2 nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương: Công dân số Cao Bằng; Nông dân Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng phát động chiến dịch ra quân cao điểm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cài đặt, sử dụng 2 nền tảng số này.