Đưa Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên vào năm 2030

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân, tỉnh Đắk Nông đã đạt những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đều tăng gấp từ 12-20 lần so với ngày đầu tái lập vào năm 2004. Đắk Nông đang trên đà vươn mình, khẳng định vị thế mới trong khu vực, hướng mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu của tỉnh Đắk Nông đặt ra là đến năm 2030 trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững ở vùng Tây Nguyên.
Mục tiêu của tỉnh Đắk Nông đặt ra là đến năm 2030 trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững ở vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn Đắk Nông (GRDP giá so sánh năm 2010) ước đến cuối năm 2023 đạt gần 24 nghìn tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 60 triệu đồng, gấp 12 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 ước đạt 18.668 tỷ đồng, gấp 20 lần năm 2004; tổng thu ngân sách giai đoạn 2004-2023 khoảng 31.879 tỷ đồng, riêng năm 2023 ước thu đạt 3.150 tỷ đồng, cao gấp 15,2 lần so với năm 2004.

Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2004-2023 ước đạt khoảng 116.073 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 ước đạt 14.199 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần so với năm 2004 và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 19,7%/năm. Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính cho tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh với hơn 50% tổng giá trị sản xuất. Hiệu quả hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và việc thu hút đầu tư nhà máy luyện kim tại Khu công nghiệp Nhân Cơ đang từng bước đưa tỉnh Đắk Nông tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm và sau nhôm của quốc gia. Ngành công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản tỉnh có lợi thế như: cà phê, hạt điều, cao su, ván MDF… được hình thành; công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp điện phát triển với nhiều dự án trọng điểm đã và đang triển khai.

Đưa Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên vào năm 2030 ảnh 1

Đắk Nông đang hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm và sau nhôm của quốc gia.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ giai đoạn 2004-2023 đạt 187.915 tỷ đồng, riêng năm 2023 đạt 24.328,8 tỷ đồng, tăng hơn 21 lần so với năm 2004 và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 17,4%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2004-2023 đạt gần 12 tỷ USD, trong đó riêng năm 2023 đạt gần 900 triệu USD, tăng 17,7 lần so với năm 2004, thị trường xuất khẩu mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ; Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2004-2023 dự kiến đạt 2.726 triệu USD, bình quân tăng trên 29%/năm.

Mạng lưới giao thông được nâng cấp hoàn thiện, tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh đạt 70%, so với 14% năm 2004. Tuyến cao tốc bắc nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) hiện đang xem xét chuẩn bị đầu tư sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho Đắk Nông kết nối với trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Tây Nguyên.

Đưa Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên vào năm 2030 ảnh 2

Thị trường xuất khẩu mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2004-2023 đạt gần 12 tỷ USD, trong đó riêng năm 2023 đạt gần 900 triệu USD, tăng 17,7 lần so với năm 2004.

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản có giá trị sản xuất (giá hiện hành) tăng mạnh, từ hơn 2.400 tỷ đồng năm 2004 lên hơn 34.300 tỷ đồng năm 2022, tăng gấp 14 lần. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng định hướng, giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị. Diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ yếu dự kiến năm 2024 ước đạt 320.200 ha, tăng 157.234 ha so với năm 2004, tương đương tăng gấp 02 lần. Giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt 103 triệu đồng, tăng 90 triệu đồng so với năm 2004.

Ngày đầu tái lập, Đắk Nông chưa có đô thị loại IV, đến nay đã có 9 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (thành phố Gia Nghĩa); tỷ lệ đô thị hóa từ 7% năm 2004 đã đạt đến 28% năm 2022. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Dự kiến đến hết quý I năm 2024 sẽ có 40/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5/40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Thành phố Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 2/07 huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống được quan tâm, chú trọng, hướng tới mục tiêu mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng con người Đắk Nông “văn minh - nhân ái - nghĩa tình”.

Quy mô về số lượng và chất lượng Giáo dục và Đào tạo phát triển toàn diện. Từ 174 cơ sở giáo dục năm 2004, đến nay đã có 371 cơ sở, tăng 197 cơ sở giáo dục; tổng số trường chuẩn quốc gia là 189 trường, đạt 59,6%. Quy mô học sinh phát triển từ 105.020 học sinh vào năm 2004 đã tăng lên 185.581 học sinh vào năm 2023, trong đó có 60.723 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 32,7% tổng số học sinh toàn tỉnh. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Nông theo hướng nhanh và bền vững.

Chất lượng y tế, điều trị và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng cao. Đến nay, tổng số giường bệnh đạt 1.370 giường, tăng 897 giường so với năm 2004; tổng số nhân lực toàn ngành y tế hơn 2.100 người, tăng 1.271 người so với năm 2004; các chỉ tiêu y tế đạt khá với 20,2 giường bệnh/vạn dân; 8,5 bác sĩ/vạn dân; 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 425 giường; đồng bộ đầu tư và đưa vào sử dụng 7 bệnh viện tuyến huyện với 945 giường; 71/71 trạm y tế tuyến xã, trong đó có 68/71 trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Du lịch từng bước hình thành các sản phẩm đặc trưng trên cơ sở phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên; đặc biệt là khai thác tiềm năng, lợi thế của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và các giá trị văn hóa bản địa.

Đưa Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên vào năm 2030 ảnh 3

Công viên Địa chất Đắk Nông được UNESCO hai lần công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Công tác dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an sinh và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được quan tâm, triển khai đồng bộ và hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,7% năm 2005 xuống còn 5,18% năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 4-5%; riêng năm 2023 giảm 8,14%.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy tại các sở, ngành được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách hành chính, thể chế nền hành chính được từng bước đổi mới; thủ tục hành chính được đơn giản hóa; việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử phát huy hiệu quả, giảm thiểu tối đa hồ sơ sai sót, quá hạn; ứng dụng công nghệ thông tin đã đặt nền tảng cho công cuộc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Chỉ số Cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông đã có sự tiến bộ rõ nét, nhất là trong những năm gần đây.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, tiềm lực quốc phòng, an ninh tỉnh Đắk Nông luôn được giữ vững và tăng cường. Khu vực phòng thủ tỉnh được xây dựng vững chắc trên cả 3 tiềm lực về chính trị tinh thần, kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trên cơ sở các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2030 đưa Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên.

Để đạt được mục tiêu trên, Đắk Nông sẽ tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương gồm: Phát triển công nghiệp Alumin, luyện Nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp Nhôm quốc gia; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Đồng thời tỉnh sẽ triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp then chốt để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, đó là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; Xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị. Thúc đẩy dự án Đường cao tốc Tây Nguyên-Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn từ thành phố Gia Nghĩa-Thành phố Hồ Chí Minh) sớm triển khai, hoàn thành đúng tiến độ; kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (thuộc tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên “Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước”); mở rộng Quốc lộ 28; Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương.

Với ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương, tinh thần đoàn kết, chung tay của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; tỉnh Đắk Nông tin tưởng sẽ hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030; đồng thời, tạo nền móng vững chắc để kiến tạo tương lai theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ‘‘Trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên"; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái vùng. Trở thành ‘‘Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.