Đắk Nông sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị

Sau khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc thì giá bán tăng cao, người dân Đắk Nông đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng khiến diện tích tăng vọt, tiềm ẩn rủi ro về dịch hại và “bấp bênh” về đầu ra khi thị trường xuất khẩu có sự thay đổi. Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị gắn với mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu, bảo đảm phát triển bền vững cho trái sầu riêng.
0:00 / 0:00
0:00
Số diện tích sầu riêng tại Đắk Nông được cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu chỉ có 644,87 ha/4.105 ha diện tích cho sản phẩm, sản lượng ước đạt 7.378,3 tấn.
Số diện tích sầu riêng tại Đắk Nông được cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu chỉ có 644,87 ha/4.105 ha diện tích cho sản phẩm, sản lượng ước đạt 7.378,3 tấn.

Đắk Nông là tỉnh có diện tích và sản lượng sầu riêng tương đối lớn. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích sầu riêng của tỉnh sẽ đạt 6.980 ha, vùng sản xuất tập trung tại các huyện: Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk G’Long, Đắk R’Lấp và thành phố Gia Nghĩa. Từ tháng 7/2022, sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã tạo cơ hội lớn cho trái sầu riêng cả nước nói chung, Đắk Nông nói riêng.

Giá sầu riêng năm 2023 ở mức khá cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với nhiều loại cây trồng khác đã thúc đẩy người dân chủ động chuyển đổi sang trồng sầu riêng chuyên canh hoặc xen canh trong các vườn cây công nghiệp để nâng cao thu nhập.

Đến thời điểm hiện tại, qua thống kê sơ bộ, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng 10.309,7 ha, tăng 4.170,4 ha so với năm 2022; diện tích cho sản phẩm khoảng 4.105 ha. Diện tích sầu riêng phát triển nhanh chóng, ồ ạt và vượt định hướng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, thiếu sự bền vững, sâu bệnh gây hại nhiều, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người trồng.

Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa thật sự ổn định, phụ thuộc lớn vào các thương lái thu mua, giá cả bấp bênh; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu là trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, một số được xuất khẩu sang Singapore, các nước châu Âu.

Hiện nay, sầu riêng đạt tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng của tỉnh còn thấp. Toàn tỉnh mới cấp được 37 mã số phục vụ xuất khẩu, trong đó có 27 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích 644,87 ha, sản lượng ước đạt 7.378,3 tấn và 10 mã cơ sở đóng gói với quy mô 8.490 m2, công suất đạt 730 tấn/ngày.

Quy định của các nước nhập khẩu sầu riêng rất nghiêm ngặt về đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Liên quan chất lượng an toàn thực phẩm, người sản xuất phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn; quản lý phòng trừ, kiểm soát sinh vật gây hại bằng các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ và trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản.

Ðể bảo đảm tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu, vùng trồng phải áp dụng chung một quy trình chăm sóc và quản lý sinh vật gây hại. Vì vậy, phát triển sầu riêng theo chuỗi giá trị gắn với mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sẽ là tất yếu, giúp cho ngành hàng sầu riêng phát triển mang tính bền vững, ổn định.

Câu lạc bộ Sầu riêng Thiên Phú ở huyện Đắk R’Lấp có quy mô diện tích gần 100 ha được canh tác theo quy trình chứng nhận VietGAP, trong đó có 19,5 ha đã được cấp mã số vùng trồng với sản lượng cấp phép 195 tấn/năm. Ông Đoàn Hùng Thịnh, thành viên Câu lạc bộ Sầu riêng Thiên Phú, Thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp cho biết, sau khi được cấp mã số vùng trồng, chất lượng trái sầu riêng được nâng lên, thương lái và các doanh nghiệp liên hệ mua rất nhiều, giá bán của sầu riêng cao hơn so với trước khi được cấp mã vùng trồng từ 2.000-4.000 đồng/kg.

Phương thức canh tác của các thành viên trong câu lạc bộ đã thay đổi, cùng áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu bón phân, xử lý thuốc,... từ đó chất lượng sầu riêng đồng đều, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thịnh, quy trình canh tác đạt chuẩn để được cấp mã số vùng trồng hiện nay đang gặp khó khăn. Cụ thể, việc ghi chép lại toàn bộ các hoạt động sản xuất trên vườn từ cắt cành, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch,… đối với người dân trồng sầu riêng còn hạn chế.

Thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân còn theo kinh nghiệm tự phát, chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, chưa có ý thức trong việc thu gom, phân loại rác thải nông nghiệp. Người dân chưa tuân thủ theo đúng các quy định về quy trình chăm sóc vườn cây, vẫn còn kiểu mạnh ai nấy làm, do vậy rất khó khăn trong việc cấp mã số vùng trồng theo đúng quy định.

Về thực trạng liên kết tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân Lầu Kiều Vân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sầu riêng nói riêng hiện nay được thu gom qua hệ thống thương lái là chủ yếu, thiếu chuỗi liên kết vùng nguyên liệu quy mô bền vững cho toàn ngành nông sản; thiếu cam kết về số lượng và chất lượng, không chủ động được nguồn cung, kế hoạch sản xuất của các đơn vị chế biến, ảnh hưởng đến độ đồng đều về chất lượng sản phẩm trong thời gian dài.

Cơ sở vật chất bảo quản chế biến không đủ quy mô, không tiêu thụ hết nông sản, gây ra một số ùn ứ cục bộ vào mùa thu hoạch chính vụ đối với một số nông sản nhất định. Tác động khách quan từ suy thoái kinh tế thế giới, chiến sự xảy ra ở một số nước cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đơn hàng tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu.

Để sản phẩm sầu riêng và các mặt hàng nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững thì các cơ quan quản lý nhà nước cần đồng hành, có thêm nhiều chính sách gắn liền với chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, làm cầu nối quan trọng để doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân thực sự gắn kết, liên kết, đồng hành, trách nhiệm để cùng phát triển; cung cấp thông tin nhất quán, kịp thời các chính sách quản lý, hỗ trợ đến với doanh nghiệp địa phương; tăng cường phối hợp với các địa phương khác, các thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam ở các nước, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, sản phẩm chế biến của Đắk Nông ra thế giới; xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trung tâm dữ liệu về ngành nông sản, chế biến… từ đó có cơ sở nền tảng để thúc đẩy các chủ thể doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn có cơ hội lớn hơn tham gia vào chuỗi liên kết nguyên liệu sản xuất bền vững.

Các cơ quan chức năng cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực, nhanh và kịp thời đến với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Hệ thống tài chính cần tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động của chuỗi liên kết từ khâu đầu vào như giống, vật tư nông nghiệp, bảo quản, chế biến, và hỗ trợ đầu ra bằng các hình thức thanh toán linh hoạt hơn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, để phát triển ngành hàng sầu riêng hiệu quả, bền vững thì giải pháp về hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng sẽ có vai trò quan trọng và tất yếu; thông qua liên kết để kết nối, kêu gọi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu sầu riêng.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng, xác định vùng có khả năng phát triển sầu riêng theo hướng hàng hoá, vùng tập trung và khuyến cáo để nông dân biết, làm cơ sở phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng về sản lượng, chất lượng, quy mô sản phẩm để phục vụ chế biến, xuất khẩu; hỗ trợ hình thành và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với người dân sản xuất sầu riêng theo các yêu cầu của thị trường tiêu thụ; tạo cơ sở để kết nối doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho người sản xuất, hợp tác xã; hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất thực hành tốt VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ….; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng mã vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ truy xuất nguồn gốc, từ đó xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu sầu riêng Đắk Nông; tập trung việc tổ chức và hỗ trợ tham gia tổ chức các diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm; hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử…

Địa phương cũng cần cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình biến động thị trường nông sản trên các trang thông tin điện tử của tỉnh, sở, ngành, địa phương để mọi thành phần kinh tế tham khảo chủ động trong sản xuất kinh doanh; hướng dẫn, hỗ trợ việc thiết lập xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu và thiết lập thương hiệu sản phẩm; thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết với người dân trong sản xuất và bao tiêu nông sản, trong đó có sầu riêng.