Đắk Nông khơi nguồn lực đầu tư phát triển “tam nông”

Qua hai lần tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với nông dân, nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Những kết quả đạt được đã được đông đảo nông dân đồng tình, qua đó, khơi dậy nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm nông nghiệp của Ðắk Nông phát triển đa dạng về mẫu mã, chủng loại, có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế.
Sản phẩm nông nghiệp của Ðắk Nông phát triển đa dạng về mẫu mã, chủng loại, có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Hiệu quả rõ nét sau đối thoại

Tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với nông dân năm 2022, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện như: Tiêu thụ và xuất khẩu nông sản chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, tích hợp đa giá trị còn hạn chế; quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn nhỏ, lẻ, sản xuất thô, thiếu bền vững. Mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn hạn chế và thiếu bền vững.

Nghịch lý “được mùa rớt giá” thường xuyên lặp lại. Lao động nông thôn có xu hướng già hóa; trình độ, kỹ năng lao động, tay nghề không đáp ứng với yêu cầu sản xuất theo các tiêu chuẩn thị trường. Cơ chế, thể chế chính sách, pháp luật, quản lý về đất đai, tín dụng còn một số bất cập. Giá vật tư nông nghiệp không ổn định. Nhiều hợp tác xã được thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quả…

Từ những bất cập được nêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông Hồ Văn Mười đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện về nguồn lực, môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, phục hồi và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tăng cường nguồn vốn cho tín dụng chính sách; phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; chính sách hỗ trợ về chuyển đổi mô hình sản xuất, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, tỉnh phát triển vùng nguyên liệu, khuyến khích nông dân khởi nghiệp; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho nông dân và lao động nông thôn;…

Do đó, đến cuối năm 2023, ngành nông nghiệp Ðắk Nông đã có bước phát triển tương đối toàn diện, tiếp tục đóng vai trò là một trong ba trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, từng bước thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế địa phương; chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng định hướng, giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất ngày càng được chú trọng.

Tăng trưởng khu vực nông nghiệp luôn giữ mức khá, ước chiếm tỷ trọng hơn 37,11% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng trong năm 2022; đã hình thành 65 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thuộc chín ngành hàng nông sản và có sự tham gia của gần 10 nghìn hộ dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã; có 37 vùng trồng, 10 cơ sở đóng gói; đã công nhận được 93 sản phẩm OCOP của 79 chủ thể và một chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Ðắk Nông; có 38/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại, phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, góp phần ổn định kinh tế-xã hội của địa phương. Cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn chuyển hướng tích cực; xây dựng nông thôn mới hoàn thành kế hoạch đề ra, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp đồng bộ. Ðời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nông dân có bước vươn mình phát triển, mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, có nhiều điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tạo cơ chế để khơi dậy nội lực

Bên cạnh những kết quả chuyển biến mạnh mẽ từ sau đối thoại lần thứ nhất, trong lần đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông với nông dân lần thứ hai mới đây, Hội Nông dân tỉnh Ðắk Nông đã nhận được hàng trăm câu hỏi của nông dân trong tỉnh và các đại biểu trực tiếp dự hội nghị. Các câu hỏi thẳng thắn, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đó là nông nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; việc mở rộng, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao còn ít, khả năng cạnh tranh thấp. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, dự báo thị trường chưa được đẩy mạnh…

Ðể sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, các đại biểu kiến nghị Ðắk Nông cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tổ chức, sản xuất nông nghiệp theo phương thức, tư duy mới; tổ chức chuỗi liên kết trong sản xuất-kinh doanh-tiêu thụ nông sản nhằm tạo nên một nền nông nghiệp hàng hóa, tích hợp đa giá trị; tạo cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, cụ thể hóa các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp linh hoạt, bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ðắk Nông Hồ Gấm cho rằng, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với ngành nông nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đang gặp phải và sẽ gặp phải. Trong điều kiện hiện nay cần phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp… nhằm xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông Hồ Văn Mười cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, Ðắk Nông nói riêng. Nông nghiệp tạo nền tảng, động lực, trụ đỡ của nền kinh tế, là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Nông thôn với cơ cấu kinh tế phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, là điều kiện quan trọng để tạo thêm được việc làm và tăng nhanh thu nhập của nông dân.

Do đó, phải nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế tập thể; từ đó, tạo cơ chế phù hợp để phát huy sức mạnh nội lực, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cũng theo đồng chí Hồ Văn Mười, ngành nông nghiệp tỉnh cần quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu và nội dung đã được nêu trong các nghị quyết của Ðảng, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng việc tiếp tục đổi mới công tác thông tin, truyền thông, từ đó thống nhất nhận thức, hành động.

Ðắk Nông tập trung nguồn lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; hỗ trợ và khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như một nguồn nguyên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, nhất là tạo vùng nguyên liệu tập trung, bền vững, vùng nguyên liệu xanh cho phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tỉnh tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nền tảng số trong chuỗi sản xuất-chế biến-kinh doanh nông sản; tiếp tục đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong bối cảnh mới, giai đoạn mới, tự bản thân mỗi người nông dân cần chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, phát huy hết nội lực của mình trong sản xuất, kinh doanh. Phải sớm hình thành được lớp người nông dân mới, đó là những người nông dân văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, đóng vai trò chủ đạo vào quá trình chuyển đổi xanh, bền vững, vì một nền nông nghiệp thịnh vượng.