Huyện đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk công bố bản đồ nông hóa thổ nhưỡng

NDO - Ngày 12/3, Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị công bố bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar đến năm 2030 và thu hút đầu tư vào huyện, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên địa bàn huyện cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Cư M'gar.
Lãnh đạo Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên địa bàn huyện cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Cư M'gar.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar Vũ Hồng Nhật cho biết, thực hiện chủ trương của Huyện ủy về: “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng cao bền vững và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng vùng chuyên canh, xác định lại định hướng phát triển cây ăn quả để phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai trên địa bàn huyện” và thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai thực hiện Đề án xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sau gần một năm triển khai thực hiện, sản phẩm bản đồ nông hóa thổ nhưỡng huyện Cư M’gar đã được hội đồng chuyên môn thẩm định nghiệm thu.

Huyện Cư M’gar có tổng diện tích tự nhiên 82.450 ha, theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm, diện tích đất nông nghiệp sử dụng hơn 73 nghìn ha, chiếm 88% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Điều kiện sinh thái thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế và một số loại cây ăn trái có giá trị.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar, trong những năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá tốt, một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao được trồng phổ biến trên địa bàn huyện như cà-phê, cao-su, hồ tiêu, sầu riêng… mang lại lại thu nhập ổn định cho người sản xuất. Song, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn nhất định như: khả năng mở rộng sản xuất các cây trồng có hiệu quả kinh tế, việc thay đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường… chưa có căn cứ khoa học để chuyển đổi mở rộng.

Mặt khác, một số khu vực trồng cây công nghiệp do canh tác liên tục, lâu dài nên đất bị thoái hóa, giảm chất lượng chưa được phục hồi; một số vùng sản xuất do cây trồng chưa hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng nên năng suất, chất lượng, sản phẩm không cao ảnh hưởng hiệu quả kinh tế và đời sống của người dân.

Từ thực tiễn khách quan đó, để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, hạn chế các rủi ro trong sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar phối hợp Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn thành việc xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng cho huyện bảo đảm chất lượng, được Hội đồng thẩm định nghiệm thu đánh giá cao, góp phần quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện trong hiện tại và tương lai.

Theo kết quả phân tích, bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, huyện Cư M’gar có 9 loại đất được chia thành 4 nhóm, trong đó có 2 nhóm đất chính là nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất đen với tổng diện tích lên đến 65.512 ha phân bố tập trung, chiếm đến 79% diện tích điều tra của huyện. Đây là nhóm đất có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, phù hợp nhiều loại cây trồng, là lợi thế sản xuất nông nghiệp của huyện có thể phát triển vùng nguyên liệu tập trung rất lớn.

Huyện đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk công bố bản đồ nông hóa thổ nhưỡng ảnh 1

Đại diện các doanh nghiệp tham luận tại hội nghị.

Kết quả phân tích của Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng đã xác định được các vùng đất có độ phì tiềm tàng khác nhau, đồng thời cũng xác định được mức độ thích nghi của các nhóm cây trồng đang có và sắp có trên địa bàn huyện, xác định những khu vực đất nghèo dinh dưỡng, xác định cơ bản liều lượng phân bón hợp lý trên cây trồng và từng loại đất khác nhau… giúp công tác chỉ đạo sản xuất cũng như tiến hành sản xuất nông nghiệp của địa phương hiệu quả hơn.

“Đây là cơ sở khoa học giúp địa phương có thêm căn cứ khoa học định hướng cây trồng phù hợp hơn, là cơ sở đánh giá tiềm năng sử dụng đất phục vụ các hoạt động quy hoạch, quản lý đất đai trong phát triển kinh tế, là cơ sở xây dựng dữ liệu số hóa nền nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, làm căn cứ để xây dựng hệ thống cây trồng thích hợp dựa trên nguyên lý “đất nào cây đó”, cũng như việc áp dụng biện pháp canh tác, kỹ thuật chăm sóc phù hợp để tăng năng suất và chất lượng cây trồng nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển nền nông nghiệp chính xác trong tương lai”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar Vũ Hồng Nhật nhấn mạnh.

Để thực hiện có hiệu quả bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar Vũ Hồng Nhật mong muốn được sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của huyện phù hợp bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, giới thiệu các doanh nghiệp về hợp tác đầu tư trên địa bàn huyện.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar đề nghị cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo các hợp tác xã và người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp đất đai, thổ nhưỡng nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị dựa trên lợi thế của đất đai; tăng cường hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đến nay, Cư M’gar là huyện đầu tiên trong 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk công bố bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar đến năm 2030 và thu hút đầu tư vào huyện, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.