Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng và công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 655.985 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 51.798 ha cây ăn quả các loại. Riêng cây sầu riêng có đến 22.458 ha, sản lượng đạt gần 200 nghìn tấn mỗi năm.
Những năm qua, cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao cho nên nông dân ở Đắk Lắk ồ ạt mở rộng diện tích, dự báo trong vài năm tới, diện tích cây sầu riêng của tỉnh tăng nhanh và sản lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm.
Chính vì vậy, để các loại nông sản của Đắk Lắk nói chung, quả sầu riêng nói riêng được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới nhiều hơn thì việc mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là yêu cầu cấp thiết.
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Hiển cho biết, việc triển khai cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các loại nông sản và trái cây xuất khẩu theo quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc được tỉnh Đắk Lắk triển khai trong nhiều năm qua, nhất là khi Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký kết vào ngày 11/7/2022.
Tính đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã được cấp 75 mã số vùng trồng trên các loại cây như: chuối, sầu riêng, xoài, vải, ớt và 26 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu, trong đó có 49 mã số vùng trồng sầu riêng với khoảng 2.315 ha, sản lượng đạt khoảng 45.200 tấn và 17 cơ sở đóng gói.
Ngoài ra, toàn tỉnh đã thiết lập 138 hồ sơ về cấp mã số vùng trồng, trong đó có 133 hồ sơ mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 2.892 ha và 9 cơ sở đóng gói sầu riêng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk báo cáo Cục Bảo vệ thực vật để tổng hợp đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Như vậy, đến nay tổng diện tích sầu riêng của tỉnh đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và đang chờ phê duyệt là 5.078 ha/7.500 ha sầu riêng trồng thuần, chiếm 67,7%.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiển, thời gian qua việc thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều thuận lợi.
Các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường nhập khẩu.
Sau khi được phân cấp, các địa phương đã chủ động hơn trong công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, do đó công tác thiết lập hồ sơ vùng trồng được triển khai nhanh hơn, vùng trồng được cấp mã số nhiều hơn và đa dạng hơn về chủng loại cây trồng được cấp mã…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Búk Phan Hoàng Lâm chia sẻ: Nhận thức được lợi ích của việc thiết lập mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu mang lại, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về quy trình thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, quy trình canh tác và các quy định liên quan của thị trường nhập khẩu.
Đồng thời, huyện còn thành lập tổ hướng dẫn, kiểm tra mã số vùng trồng, cử cán bộ làm đầu mối phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 7 mã số vùng trồng với diện tích gần 120 ha và huyện đã hỗ trợ đăng ký 55 mã số vùng trồng cho 15 công ty liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và 655 hộ dân tham gia với diện tích hơn 1.129 ha.
Các diện tích này đã được đánh giá và đang chờ Cục Bảo vệ thực vật và phía Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.
Bà Ninh Thị Hoa, Trưởng trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo TCCS 774:2020/BVTV về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng quy định: “Vùng trồng là vùng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng”, quy định như vậy mang tính định tính, không hướng dẫn cụ thể như thế nào là sản xuất chủ yếu một loại cây trồng.
Trong khi đó, thực trạng sản xuất cây ăn quả tại Đắk Lắk chủ yếu là trồng xen với các loại cây khác.
Ngoài ra, một số thành phần hồ sơ như, bản cam kết tham gia vùng trồng và sử dụng mã số sau khi được phê duyệt chưa có hướng dẫn nội dung cụ thể, thống nhất cho nên công tác thẩm định hồ sơ mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng quy định “Diện tích tối thiểu của vùng trồng là 10 ha”, do vậy các hộ dân phải liên kết với nhau để đáp ứng về diện tích và phải liên kết theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thật sự minh bạch, rõ ràng; người dân tại một số vùng trồng chưa có sự đồng thuận cao trong suốt cả quá trình cấp mã số từ khâu thiết lập hồ sơ đến khi vùng trồng được phê duyệt mã số và cuối cùng là duy trì mã số sau khi được phê duyệt.
Đồng thời, hệ thống văn bản về hoạt động quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa hoàn thiện đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa có chế tài xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm… gây rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, mặc dù đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn bằng nhiều hình thức như trực tiếp, trực tuyến, video clip, nhưng nhận thức của người dân về mã số vùng trồng còn nhiều hạn chế.
Nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thiếu sự duy trì chất lượng; tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến nước nhập khẩu phải cảnh báo…
Trong khi đó, hiện nay việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản, trái cây xuất khẩu là yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu và là thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn và đưa hoạt động này đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, chủ động phối hợp triển khai, hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu; cung cấp thông tin về quy định của nước nhập khẩu cho các địa phương, tổ chức, cá nhân biết để chủ động thực hiện; phối hợp Cục Bảo vệ thực vật giải quyết các trường hợp không tuân thủ theo thông báo của nước nhập khẩu; giám sát đột xuất vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số…
Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân với đơn vị xuất khẩu…
Đối với chủ sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói, yêu cầu liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia; nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; đồng thời, chủ động bảo vệ mã số của mình nhằm hạn chế tình trạng giả mạo, lấy cắp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói…