Trong chuỗi hoạt động được thực hiện ở 20 trường học trên địa bàn này, chương trình có sự tham gia của diễn giả trong lĩnh vực tâm lý học đường như: Tiến sĩ tâm lý Trịnh Viết Then, Trưởng Bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng; Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt; Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, giảng viên khoa Xã hội học-Công tác xã hội-Đông Nam Á, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh...
Ban tổ chức chương trình cho biết, năm học 2023-2024, chương trình sẽ tổ chức các chuyên đề như: ứng xử văn minh trên mạng xã hội; cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường; kỹ năng phòng chống xâm hại; giảm stress trong học tập; chọn ngành chọn nghề… tại 20 trường học trên địa bàn thành phố nhằm giúp các em học sinh có thêm kỹ năng để vượt qua tâm lý học đường, tự tin để giải quyết các vấn đề của mình và tập trung học tập một cách tốt nhất.
Các đơn vị ký kết tham gia thực hiện chương trình. |
Tại chương trình, Tiến sĩ Phạm Anh Thắng, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay vấn đề trẻ em, học đường được xã hội rất quan tâm. Đây cũng là chủ đề dễ gây phản ứng trái chiều trên cả không gian mạng lẫn ngoài đời thực.
Vì vậy, đòi hỏi cần có sự truyền thông phù hợp để định hình tâm lý cho trẻ em, nhất là là trẻ em học đường; trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em yếu thế, trẻ em khuyết tật.
Chia sẻ tại chương trình, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt cho rằng, với mục đích giáo dục toàn diện các em học sinh, vừa dạy chữ, vừa dạy người, các hoạt động trong nhà trường đóng vai trò quan trọng.
Điều nhà trường luôn mong muốn là làm sao để học sinh tự tin chia sẻ với thầy cô ở các phòng tâm lý học đường. Bởi thực tế hiện nay vẫn có tình trạng học sinh chưa tự tin giãi bày tâm lý với các thầy cô của mình hoặc tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường.
Khi gặp vấn đề, các em không tìm người hỗ trợ, chia sẻ mà có xu hướng tự mình giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực hay các vấn đề trầm trọng hơn.
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh
Do đó, để công tác tư vấn tâm lý học đường đến gần hơn với học sinh, sự phối hợp giữa Ban giám hiệu nhà trường với các thầy cô tư vấn tâm lý rất cần thiết.