Phòng ngừa, xử lý sớm những vấn đề gây mất an ninh trong lĩnh vực giáo dục

NDO - Trong năm học vừa qua, bạo lực học đường vẫn xảy ra, thậm chí phức tạp ở một số nơi; tỷ lệ học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật mặc dù không cao nhưng đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, xuất hiện những phá hoại về an ninh trật tự trong không gian mạng, tác động đến học sinh, sinh viên, thậm chí cả giáo viên,... Những vấn đề này đang đặt ra yêu cầu cần có giải pháp đồng bộ trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn lĩnh vực giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà trường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo chủ đề cho học sinh, sinh viên vào những đợt cao điểm, các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt cuối tuần và lồng ghép vào các môn học chính khóa, các hoạt động giáo dục tập thể khác (Ảnh minh hoạ)
Các nhà trường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo chủ đề cho học sinh, sinh viên vào những đợt cao điểm, các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt cuối tuần và lồng ghép vào các môn học chính khóa, các hoạt động giáo dục tập thể khác (Ảnh minh hoạ)

Nhiều biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giáo dục

Đánh giá về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn, phòng, chống bạo lực học đường của năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn thừa nhận: Bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương. Tình trạng bắt nạt, căng thẳng, trầm cảm hoặc khó khăn về tâm lý vẫn còn xảy ra đối với nhiều học sinh. Giáo dục kỹ năng sống để tự bảo vệ trước các vấn đề về bạo lực học đường chưa được đầy đủ, toàn diện. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện chưa thực sự hiệu quả…

Mặc dù số học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật có tỷ lệ thấp, chiếm 2,63% trong tổng số thanh thiếu niên phạm tội, tuy nhiên, con số này lại có xu hướng tăng nhanh qua từng năm.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an cung cấp số liệu về tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật.

Theo đó, mặc dù học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật có tỷ lệ thấp, chiếm 2,63% trong tổng số thanh thiếu niên phạm tội, tuy nhiên, con số này lại có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. Năm 2021 tăng 30% so với năm 2020, năm 2022 tăng 28,4%, 5 tháng đầu của năm 2023 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022.

Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đã ký kết và triển khai chương trình phối hợp giữa hai Bộ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025; ban hành và triển khai Dự án “Phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên đến năm 2025” và Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2025 định hướng 2030”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tổ chức cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin năm 2023”; phối hợp chặt chẽ Bộ Công an và các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; chỉ đạo triển khai công tác giáo dục bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, giáo dục phòng cháy chữa cháy và phòng, chống bạo lực học đường.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc cụ thể hóa, xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Chương trình về phòng, chống tội phạm, AIDS, ma túy, mại dâm và vi phạm pháp luật năm 2023, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo chủ đề vào những đợt cao điểm, các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt cuối tuần và lồng ghép vào các môn học chính khóa, các hoạt động giáo dục tập thể khác.

Theo đánh giá, công tác xử lý các vụ việc xảy ra kịp thời, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn.

Tại Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã vận dụng linh hoạt Thông tư 06/2019/TTBGDĐT để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử thực hiện trong mỗi đơn vị với sự tham gia và cam kết của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh.

Xử lý sớm những vấn đề nguy cơ gây mất an ninh giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhằm nắm bắt tình hình, quán triệt, tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và bảo đảm an ninh chính trị cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới, Bộ đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và bảo đảm an ninh chính trị trong trường học năm 2023.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ Công an luôn nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp trồng người, là giải pháp căn cơ góp phần bảo vệ an ninh văn hóa, an toàn trật tự xã hội, chủ động phòng ngừa sớm những tác động đến an ninh trật tự.

Phòng ngừa, xử lý sớm những vấn đề gây mất an ninh trong lĩnh vực giáo dục ảnh 1

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an (Ảnh: TRẦN HẢI)

Không chỉ chú trọng phòng ngừa vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ triển khai nhiều chương trình phối hợp, triển khai các thông tư liên tịch nhằm thực hiện bảo đảm an ninh quốc gia, bảm đảm trật tự an toàn xã hội.

Bộ Công an sẽ đánh giá, tiếp tục phối hợp các bộ ngành và sẽ tham mưu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có giải pháp đồng bộ trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn xử lý sớm những vấn đề tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự trong học sinh, sinh viên.

Thượng tướng, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang

“Qua công tác bảo đảm an ninh quốc gia cho thấy, có âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục tạo ra một nhóm người có quan điểm, tư tưởng không phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước. Hoạt động này đặc biệt lợi dụng tầng lớp học sinh, sinh viên” - Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết và lưu ý có những phá hoại về an ninh trật tự trong không gian mạng, tác động đến học sinh, sinh viên, thậm chí cả giáo viên.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, thời gian tới, Bộ Công an sẽ đánh giá, tiếp tục phối hợp các bộ ngành và sẽ tham mưu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có giải pháp đồng bộ trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn xử lý sớm những vấn đề tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự trong học sinh, sinh viên.

Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bảo đảm an ninh lĩnh vực giáo dục. "Trong quá trình thực hiện, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẵn sàng có phương án tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trong các kỳ thi, bảo vệ bí mật nhà nước và trong công tác quản lý học sinh sinh viên công tác, lao động học tập ở nước ngoài, phòng ngừa tội phạm trong học sinh, sinh viên, đưa các nội dung vào chương trình đào tạo của học sinh, sinh viên” - Thượng tướng Lương Tam Quang khẳng định.