Vụ cháu bé 10 tuổi lọt xuống cọc bê-tông tại Đồng Tháp:

Dự kiến tiếp tục công tác cứu nạn xuyên đêm nay

NDO - Cuối giờ chiều 3/1, các đơn vị tại hiện trường cứu nạn bé 10 tuổi tại Đồng Tháp đã làm sạch lượng bùn đất ở độ sâu 23m và sẵn sàng cho phương án kéo cọc bê-tông lên.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn diễn ra rất khẩn trương.
Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn diễn ra rất khẩn trương.

Liên quan đến vụ cứu nạn bé trai 10 tuổi bị lọt xuống cọc bê-tông tại Đồng Tháp, phóng viên Báo Nhân Dân có mặt tại hiện trường thông tin: Tính từ 11 giờ đến 16 giờ 30 phút chiều nay, 3/1, đơn vị thi công vẫn sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để mang đất đá bên trong ống vách ra ngoài.

Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tính tới 14 giờ 30 phút, lực lượng cứu hộ đã làm sạch lượng bùn đất ở độ sâu 23m trên tổng số 35m bên trong lòng ống.

Hiện tại, công tác khoan guồng xoắn vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đến độ sâu 27m, sau đó sẽ tiến hành tròng cáp vào 3 đoạn ống bê-tông. Đơn vị thi công tiếp tục khoan sâu đến cuối đầu cọc, khi không còn ma sát và bảo đảm đồng trục thì tiến hành nhổ cọc lên.

Dự kiến tiếp tục công tác cứu nạn xuyên đêm nay ảnh 1

Các lực lượng tại hiện trường tập trung để cứu hộ, cứu nạn.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã tham khảo các chuyên gia để chuẩn bị phương án dự phòng là bơm, xói bằng áp lực nước mạnh ở tầng dưới để phá vỡ, tơi rã nhanh hơn, rút ngắn thời gian cứu hộ.

"Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục làm xuyên trong đêm nay", ông Bửu thông tin.

Dự kiến tiếp tục công tác cứu nạn xuyên đêm nay ảnh 2

Hiện trường vụ giải cứu chiều 3/1.

Hiện nay, quá trình thi công đoạn còn lại đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt, tuy nhiên đơn vị thi công vẫn giữ các nhóm, tổ thực hiện xuyên đêm rút ngắn thời gian cứu hộ cháu bé.

Bên cạnh đó, các lực lượng có mặt tại hiện trường cũng đang nghiên cứu áp dụng phương pháp khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn được nhanh hơn.

Ngoài ra, các mũi cứu nạn, cứu hộ cũng tính toán đến tình huống xảy ra mưa lớn sẽ sử dụng các biện pháp che chắn, đồng thời áp dụng thoát dẫn tự nhiên và sử dụng máy bơm.

Cũng theo ông Bửu, hiện lực lượng công binh của Quân khu 9 cũng đã sẵn sàng bổ sung thêm các thiết bị cưa, cắt chuyên dụng để ngay khi ống được đưa lên mặt đất sẽ sớm can thiệp, xác định vị trí nghi ngờ bé mắc kẹt.