Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên nguy cơ chậm tiến độ

Là dự án trọng điểm, thường xuyên được Tỉnh ủy Điện Biên đôn đốc, chỉ đạo song tiến độ tổng thể dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên hiện chậm rất nhiều so với kế hoạch. Thực tế này đã và đang khiến địa phương cũng như các đơn vị được giao chủ đầu tư hết sức lo lắng, nhất là khi mùa mưa vùng Tây Bắc đã cận kề...
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường lăn, sân đỗ.
Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường lăn, sân đỗ.

Thông tin tiến độ tổng thể dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Đức Toàn, cho biết: Triển khai dự án, có các đơn vị, gồm: Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV); Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thực hiện 14 dự án và 4 phần việc.

Trong đó, ACV được giao chủ đầu tư 5 dự án: rà phá bom mìn, vật nổ; xây dựng hàng rào an ninh; hạng mục đường cất, hạ cánh, đường lăn sân đỗ; kiểm định chất lượng công trình, cung cấp và lắp đặt hệ thống đèn hiệu; hạng mục nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ. VATM được giao làm chủ đầu tư 4 dự án: Đài kiểm soát không lưu; Đài dẫn đường DVOR DME; Xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị hệ thống quan trắc khí tượng tự động; xây dựng dữ liệu địa hình và chướng ngại vật.

Với tỉnh Điện Biên, các phần việc gồm: bố trí bãi đổ thải; bảo đảm nguồn cung vật liệu phục vụ thi công các hạng mục sân bay (đất, cát) và 5 dự án hoàn trả hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên. Theo kế hoạch tiến độ được ACV, Ủy ban nhân dân tỉnh đặt ra, thì tại thời điểm này rất nhiều phần việc tại các dự án thành phần đều chung thực trạng chậm tiến độ. Đáng lo ngại là hạng mục công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay hiện đang chậm hơn kế hoạch 4 tháng trong khi đây là hạng mục chính có vai trò quyết định tiến độ tổng thể toàn dự án.

Với các phần việc, liên quan thủ tục cấp phép nguyên liệu (đất, cát) thuộc trách nhiệm tỉnh Điện Biên đến nay cũng chậm, cụ thể, thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp và công bố giá vật liệu xây dựng đất đắp tại điểm mỏ bản Pom Loi, phường Nam Thanh đã chậm khoảng 5 tháng; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ nguồn vật liệu đất đắp từ dự án xây dựng khu, điểm tái định cư Khu trung tâm chính trị, hành chính tỉnh Điện Biên chậm 5 tháng. Các dự án hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đều chậm 3 tháng.

Cá biệt có dự án đường nội đồng và kênh tiêu thoát nước theo kế hoạch đã phải hoàn thành trong năm 2022, vậy nhưng đến nay vẫn chưa có mặt bằng để thi công... Các dự án khác như Dự án đường tránh Thanh Hưng và đường đi xã Thanh Luông chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công sẽ ảnh hưởng hàng nghìn hộ dân quanh vùng dự án.

Lo lắng tiến độ chậm, ông Nguyễn Bách Tùng, Phó Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết: tận dụng tối đa thời tiết, trên công trường các nhà thầu đang chia ra 13 mũi với hơn 100 đầu máy, thiết bị thi công cả ngày và đêm, đến nay khối lượng thi công đạt một số kết quả nhất định.

Cụ thể, đã hoàn thành các hạng mục đào phá kết cấu hiện hữu, đào bóc hữu cơ, nền đất, hoàn thành thi công cọc thử đất gia cố xi-măng, thi công cọc gia cố xi-măng đại trà, thi công hệ thống mương M1, M2, M3… Các nhà thầu cũng đang khẩn trương tập kết các loại vật liệu (xi-măng, sắt, thép, đá, cát…) để chuẩn bị thi công các hạng mục mặt đường. "Nhưng lúc này các nhà thầu lo lắng nhất là thời tiết, vì chỉ một ngày mưa thôi thì làm bù 10 ngày cũng không đủ.

Thêm vào đó là việc chậm thi công hệ thống kênh mương tiêu thoát đã khiến nước từ ruộng tràn vào công trường gây nhiều điểm ngập úng, gây khó khăn cho thi công"-ông Nguyễn Bách Tùng, cho biết thêm.

Chung nỗi lo tiến độ chậm, tại cuộc họp ban chỉ đạo dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên được tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Đức Toàn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) đã thẳng thắn nói rằng: Nếu không quyết liệt đẩy nhanh tiến độ từng phần việc thì rất khó hoàn thành dự án trong tháng 12/2023. Vì hiện tại đã chậm 3 tháng, tới đây lại mấy tháng mùa mưa sẽ ảnh hưởng tiến độ rất nhiều. Để đạt mục tiêu tiến độ, rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm.

Chỉ rõ tiến độ chậm tại từng dự án, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường đồng thời chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp tiến độ. Đó chính là việc chưa kịp thời kiện toàn nhân sự các phòng, ban trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng có biểu hiện né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; giữa các sở, ngành, địa phương có nội dung phối hợp chưa chặt chẽ, nặng về thủ tục hành chính, thiếu linh hoạt nhất là phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án hoàn trả hạ tầng kỹ thuật tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên với sự phát triển toàn diện các lĩnh vực của Điện Biên nói riêng, khu vực Tây Bắc nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường còn đề cập những cống hiến của hàng trăm cán bộ, công chức và của hàng nghìn người dân đã sẵn sàng di dời nhường mặt bằng triển khai dự án; bởi vậy, không thể chấp nhận sự biện minh nào lý giải cho các nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ tổng thể dự án, nhất là khi dấu mốc quan trọng đặt ra ngay từ khi xây dựng dự án là Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/2024) đã cận kề.

Để đẩy nhanh các phần việc, bảo đảm tiến độ dự án đặt ra, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt triển khai thực hiện các phần việc theo chức năng, nhiệm vụ.

Cụ thể, với Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Trần Quốc Cường yêu cầu phải chủ động phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên tập trung tháo gỡ dứt điểm vướng mắc, giải quyết nguyên vật liệu để ACV triển khai các hạng mục của dự án; đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp thông thường tại huyện Điện Biên, phường Nam Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) và triển khai đấu giá sản phẩm cát thu hồi khi thực hiện nạo vét lòng sông, thuộc Dự án quản lý đa thiên tại lưu vực sông Nậm Rốm vì lúc này, cần nhất là nguyên liệu (đất, cát) phục vụ thi công đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ.

Với Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, đồng chí Trần Quốc Cường yêu cầu phải tập trung giải phóng mặt bằng phần diện tích còn vướng, chỉ đạo các nhà thầu triển khai các dự án hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đúng tiến độ.

Riêng với ACV, đồng chí Trần Quốc Cường đề nghị phải chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực để thi công "3 ca, 4 kíp" ngày đêm, đẩy nhanh tiến độ Gói thầu đường cất hạ cánh (gói thầu số 19); kịp thời đề xuất với Ban Chỉ đạo để xử lý hoặc cho ý kiến đối với các nội dung thuộc thẩm quyền...; yêu cầu thành lập ngay Tổ thường trực giải quyết các phần việc dự án, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên giao Tổ thường trực có trách nhiệm họp với các đơn vị theo định kỳ 2 tuần một lần để kịp thời tiếp nhận, giải quyết ngay các bất cập, vướng mắc. Trước nhất và cần thiết nhất là giải quyết ngay các thủ tục cấp phép cho các mỏ đất, cát bảo đảm đủ nguyên liệu phục vụ thi công dự án.

Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên được khởi công từ tháng 1/2022, có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV, với quy mô xây dựng đáp ứng khai thác máy bay Airbus A320, A321 và các máy bay tương đương.

Kế hoạch ban đầu, các hạng mục do ACV làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ và đưa vào khai thác trước tháng 8/2023; riêng các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành thi công trước tháng 2/2024 và hoàn thiện các thủ tục liên quan để đưa vào khai thác trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).