Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, công luận rất bức xúc trước tình trạng xây dựng không phép, trái phép phức tạp, quy mô lớn ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình xử lý, chính quyền địa phương gặp khó khăn do các quy định pháp luật về xử lý vi phạm lĩnh vực trật tự xây dựng còn thiếu, chưa đồng bộ, có nhiều kẽ hở, hay còn từ lý do nào khác?
Đồng chí Cao Tiến Dũng: Tất cả các quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng hiện hành pháp luật đã có và tỉnh có xử lý cũng không thể vượt khung pháp lý. Mỗi công trình có tính chất khác nhau, nên cần suy xét kỹ để xử lý. Với một số trường hợp, cũng nên cân nhắc khéo léo, bởi có những khu vực đã quy hoạch là khu dân cư, giả sử cưỡng chế, tháo dỡ sau đó người dân cũng xin xây lại thì liệu có lãng phí tiền của của xã hội hay không. Do đó, phải suy xét kỹ, pháp luật quy định vị trí nào được phép cho tồn tại, chỗ nào không thể để tồn tại, áp dụng biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ. Tuy nhiên, tất cả đều phải xử lý, tuyệt đối không có tình trạng làm lơ, để rồi hết công trình này đến công trình khác xây dựng trái phép phát sinh mới.
PV: Cụ thể, chính quyền tỉnh có những giải pháp gì để ngăn chặn hành vi xây dựng đó một cách căn cơ, để không lặp lại tình trạng chạy theo giải quyết và khắc phục hậu quả?
Đồng chí Cao Tiến Dũng: Tôi đã yêu cầu cấp chính quyền, sở, ngành liên quan trong tỉnh phải thực hiện nghiêm các quy định về trật tự xây dựng để quản lý chặt hơn, tránh tình trạng tiếp diễn công trình vi phạm như thời gian qua. Thực trạng thế nào, phải xắn tay vào xử lý kiên quyết, rốt ráo theo quy định. Ở đây, rõ ràng có những công trình đã vi phạm, nhưng sau khi rà soát nếu phù hợp quy hoạch và phát triển cho tương lai thì phải tính toán linh hoạt. Còn công trình thật sự cản trở sự phát triển khu vực chung quanh khu đô thị, chúng ta bắt buộc phải thẳng tay cưỡng chế, tháo dỡ.
PV: Theo đồng chí, trong hàng loạt giải pháp mà tỉnh đang thực hiện nhằm chặn đứng tình trạng xây dựng kiểu này, thì yếu tố nào là quan trọng nhất?
Đồng chí Cao Tiến Dũng: Quan trọng nhất vẫn là con người. Cán bộ quản lý địa bàn hiện nay có một hệ thống chính trị từ ấp, xã, đến phòng ban cấp huyện. Chúng ta lo kinh phí trả lương, phụ cấp đủ cả, nhưng khi có vấn đề, nhất là ở cơ sở, nhiều nơi không báo cáo, làm lơ, thậm chí tiếp tay cho những việc không đúng. Đây là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy, yếu tố con người là quan trọng nhất, quy định xử lý đã có đầy đủ, công nghệ để quản lý ở lĩnh vực trật tự xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng đã được tập huấn cho tất cả các địa phương.
PV: Thực tế, có nhiều công trình vi phạm quy mô lớn xảy ra ở nhiệm kỳ trước, nhưng gần đây mới được phát hiện, công khai. Vậy, việc xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện thế nào?
Đồng chí Cao Tiến Dũng: Công trình nào trước đây đã có vi phạm phải xử lý từng bước. Đối với những công trình mới mọc lên, những cán bộ mới phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và xử lý bằng các hình thức kỷ luật. Trên toàn bộ diện tích bản đồ của một xã, phường hoặc khu vực được khoanh những chỗ có công trình đã vi phạm, bí thư, chủ tịch, cán bộ địa chính xây dựng ký xác nhận. Tôi đang chỉ đạo toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh phải thực hiện, nhất thiết quản lý về quy hoạch xây dựng cho thật tốt. Bởi lẽ, Nhà nước đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của cho khâu lập quy hoạch vì sự phát triển chung, bài bản, lâu dài.
PV: Nhiều ý kiến lo ngại hệ lụy lớn nhất của xây dựng trái phép là nguy cơ nhiều quy hoạch có thể bị phá vỡ, nếu chính quyền không có biện pháp thực sự đột phá để thay đổi, cải thiện tình hình hiện nay. Đồng chí nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Đồng chí Cao Tiến Dũng: Tôi phụ trách mảng quy hoạch của UBND tỉnh, nhiều chỗ phải đi dò từng centimet. Vì một đường vẽ trong thực hiện quy hoạch đúng sẽ sinh ra rất nhiều lợi ích cho xã hội, ngược lại, nếu một đường vẽ sai thì tai hại nhiều mặt. Nhất là trường hợp xây dựng trái phép trên quy mô lớn không được ngăn chặn, phải liên tục sửa, điều chỉnh quy hoạch sẽ mất thời gian và tốn kém tiền của, điều đó hàm ý rằng, nếu không quản lý tốt thì còn vỡ quy hoạch. Do đó, chúng tôi sẽ quyết liệt làm đến nơi đến chốn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!