Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025; Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022; Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn; Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.
Tỉnh Tuyên Quang cũng phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số năm 2022 để chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện về phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh.
Tỉnh thành lập 1.871 tổ Công nghệ số cộng đồng (cấp xã: 138, cấp thôn: 1.733) với 10.257 thành viên; tiến hành tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho các thành viên; tạo nhóm Zalo dùng chung của tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn trên địa bàn để điều hành, tương tác, trao đổi thông tin; đồng thời phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức cho hơn 500 cán bộ cấp xã tham gia khóa học bồi dưỡng "Chuyển đổi số cấp xã" để nâng cao nhận thức, tiếp thu các kiến thức về chuyển đổi số phục vụ triển khai chuyển đổi số tại địa bàn…
Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp đủ điều kiện đã được Sở Tư pháp Tuyên Quang rà soát, tái cấu trúc và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo quy định, cung cấp 100/195 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Trong đó, Sở Tư pháp thực hiện cung cấp 78 dịch vụ công trực tuyến toàn trình/122 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; triển khai cung cấp 12/40 dịch vụ công trực tuyến toàn trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện; cung cấp 10/33 dịch vụ công trực tuyến toàn trình/33 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã.
Đáng chú ý, Sở Tư pháp đã triển khai có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với bốn dịch vụ công thiết yếu về cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn và phối hợp triển khai hai nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi; đăng khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng trợ cấp mai táng phí theo Đề án 06 trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Do vậy, chín tháng năm 2023 tổng số hồ sơ tiếp nhận là 6.949 hồ sơ, trong đó có 6.725 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, đạt 96,78% (số còn lại tiếp nhận thông qua dịch vụ bưu chính công ích); đã giải quyết đúng và trước hạn 5.662 hồ sơ.
Chỉ trong một ngày, kể từ khi kê khai tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, chị Nguyễn Thị Hải (phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang) đã được cấp lý lịch tư pháp số hai. Chị Hải cho biết, hơn một tháng trước, chị đã xin cấp lý lịch tư pháp số một, nay dữ liệu được liên thông, nên không phải mất thêm thời gian chờ để xác minh nhân thân. Việc giải quyết nhanh gọn về thủ tục giấy tờ đã bớt rất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại.
Tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, nhiều dịch vụ đã được xã cập nhật lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến như đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký tạm trú, tạm vắng. Các dịch vụ như chữ ký số, thông tin văn bản qua hệ thống Ioffice cũng đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. "Trước đây, nhất là thời điểm cuối năm, việc giải quyết các thủ tục liên quan đến hóa đơn, chứng từ, lãnh đạo xã phải mất nhiều ngày. Hiện nay, dịch vụ chữ ký số đã giải quyết cơ bản những khó khăn này", Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Nguyên Cầm Văn Dũng cho biết.
Ở huyện Hàm Yên, công tác chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Huyện đã nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT Ioffice phiên bản V3.0 lên phiên bản V5.0.
Thời điểm hiện tại, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 98%. Trang bị máy đọc mã QR cho bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, nên tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn đạt tới 99,9%.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã áp dụng công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế, nâng cao giá trị hàng hóa. Hiện nay, có 12 sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử DES ĐT.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai Dự án "Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025". Duy trì Trang thông tin điện tử giới thiệu 128 sản phẩm của 124 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn gồm: 111 sản phẩm về thực phẩm; sáu sản phẩm thảo dược; bảy sản phẩm về đồ uống; bốn sản phẩm về du lịch, bán hàng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (xây dựng tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số); tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh,...
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Hiến cho biết, trên địa bàn tỉnh 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của các cơ quan nhà nước được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các dịch vụ công trực tuyến được các cơ quan xây dựng biểu mẫu tương tác (e-form) để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cung cấp thông tin khi thực hiện trên Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Gần 50% số hồ sơ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được tiếp nhận và xử lý hoàn toàn trực tuyến. Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đạt 93,57%. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên các nền tảng dùng chung như: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh; Hệ thống thông tin và giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số.
Cổng Du lịch thông minh và ứng dụng Tuyen Quang tourism đã có cơ sở dữ liệu về du lịch của tỉnh, như: Camera 360 với 18 điểm; cơ sở lưu trú (267 cơ sở); ẩm thực (135 cơ sở); địa điểm du lịch (85 điểm); mua sắm (47 điểm); giải trí (133 điểm); lịch trình (mẫu) với 13 lịch trình; dịch vụ tiện ích (8 dịch vụ);…
Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang hiện có 904 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 2.456 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành. Có 128 sản phẩm của 124 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được giới thiệu trên Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)". Mô hình chợ 4.0 đã được triển khai tại các chợ An Phú, Tam Cờ, Phan Thiết của thành phố Tuyên Quang; chợ Km 39, chợ xã Thái Hòa, chợ xã Đức Ninh, chợ xã Bình Xa của huyện Hàm Yên...
Tuy nhiên, do điều kiện của tỉnh miền núi, cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở các huyện còn nhiều khó khăn. Ở một số xã vùng sâu, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số như: sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính… chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp. Nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, kỹ năng ứng dụng công nghệ số của một bộ phận người dân chưa cao. Việc kết nối chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tuy đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu nhưng chưa thông suốt dẫn đến việc thực hiện của công dân và giải quyết dịch vụ công của các cấp, các ngành còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang khẳng định, có được kết quả về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh là sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Trong thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện tốt năm nội dung, là: Cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến, xây dựng các nền tảng số, dữ liệu số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Doanh nghiệp công nghệ số cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội. Nâng cao năng lực, kỹ năng số của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn kỹ năng sử dụng nền tảng số, thực hiện các dịch vụ trực tuyến, mua sắm, thanh toán trực tuyến và kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường số cho người dân… Từ đó, chung tay lan tỏa thông điệp "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".