Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

Sáng 13/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, với sự tham dự của 700 điểm cầu từ bảo hiểm xã hội các địa phương trên toàn quốc...
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, giữa bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, các đơn vị trực thuộc, bảo hiểm xã hội các địa phương cùng với công chức, viên chức, người lao động toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đạt được một số kết quả tích cực.

Theo đó, các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so cuối năm 2021. Số phát triển tham gia bảo hiểm tính đến hết tháng 6/2022 đã đạt 16,822 triệu người (đạt 87,7% kế hoạch), tương đương khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 81,7 nghìn người so tháng trước, tăng 275,5 nghìn người so cuối năm 2021, tăng 686 nghìn người so cùng kỳ năm trước.

Riêng số người tham gia bảo hiểm y tế giảm so cùng kỳ và giảm so với thời điểm hết năm 2021, mới đạt khoảng 86,538 triệu người, giảm 897 nghìn người (giảm 1,03%) so cùng kỳ năm 2021 và giảm 2,299 triệu người (giảm 2,59%) so với hết năm 2021), đạt tỷ lệ bao phủ 88,66% dân số.

Đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp

Có thể thấy, giữa bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, vai trò của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội càng được khẳng định. Công tác giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Toàn ngành đã giải quyết cho 38.810 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp hàng tháng, 590.844 người hưởng các chế độ một lần, 5.998.841 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản…

Việc giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động tăng 47,42% so cùng kỳ năm trước chủ yếu là do số lượng đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động mắc Covid-19 tăng. Tổng số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau do Covid-19 từ năm 2021 tính đến 24/6/2022 là 2.318.567 lượt người với tổng số tiền là 3.081 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động bám sát, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Đến hết tháng 6/2022, thực hiện 3 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện giảm đóng vào các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và chi hỗ trợ từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí hơn 45.444 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó: riêng chi trả chế độ hỗ trợ bằng tiền cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền 30.804 tỷ đồng.

Thực hiện nhiệm vụ xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, làm cơ sở để xác định đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg (ngày 28/03/2022), tính đến 10/7/2022: với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.775.210 lao động; với người lao động quay trở lại thị trường lao động, đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 84.889 lao động...

Kết quả nêu trên đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, sớm ổn định kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Linh hoạt các giải pháp mở rộng độ bao phủ

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội một số địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lai Châu, Bình Định... đều nhận định: một trong các giải pháp hiệu quả là tham mưu, vận động sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương, bảo đảm triển khai hiệu của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn..., đặc biệt là sự chủ động từ chính cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện từng địa bàn...

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ảnh 1
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Hằng)

Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ rõ, từ sự chủ động của Bảo hiểm xã hội các địa phương với nhiều mô hình, cách làm hay phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho một số nhóm đối tượng khó khăn...

Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn kịp thời bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương, Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế chủ động chuẩn bị các cơ sở dữ liệu, để ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021, bảo đảm triển khai quyết toán nhanh, đúng quy định. Đồng thời, cũng lưu ý Bảo hiểm xã hội các tỉnh phải thẩm định, kiểm tra kỹ khi tiếp nhận các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, vừa hài hòa lợi ích của người lao động, bảo đảm đúng quy định...