Mầu nắng vàng tơ trên những sườn đồi nam Tây Nguyên, mùi hương hoa cải thoảng bay trong gió, tôi tìm về buôn làng Chu Ru ở xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng), để được thưởng thức âm giai rơkel của nghệ nhân Ma Tham giữa rừng chiều yên ả. Này điệu trải lòng của những người con ở núi chậm, buồn, thao thiết; điệu ru con nhẹ nhàng, trìu mến; điệu tiễn đưa nỉ non, day dứt… Quả thực, trên nhạc cụ sáu ống tre gắn vào quả bầu khô là một thế giới siêu thực, nhưng rất đời. Ðó là những câu chuyện được kể bằng âm thanh, đó cũng là tiếng lòng của người Chu Ru tự thẩm thấu qua bao thế hệ. Những điệu thức không có ghi chép, đó là mạch nguồn hồn nhiên tự chảy trong huyết quản của những người con trên miền rừng xanh, núi đỏ.
Tiếng kèn bầu của nghệ nhân Ma Tham nổi tiếng khắp vùng lâu nay là nhờ sự truyền dạy của người cha già Ha Sen. Tôi gặp già Ha Sen không hẹn trước, già chào đón khách lạ bằng một điệu rơkel "mừng khách". Ông khiêm tốn bảo: "Mình chỉ giỏi làm kèn, sửa kèn và thẩm âm, còn thổi thì biết ít thôi…", rồi ông nhìn về phía Ma Tham. Năm lên 10 tuổi, mỗi chiều nhạt nắng, Ma Tham lặng lẽ mang kèn bầu của cha ra góc vườn để tập thổi. Những âm giai đang rời rạc, nhưng chất chứa cung bậc cảm xúc bật ra từ tâm hồn của đứa trẻ lên mười, khiến bà con buôn làng thổn thức. Tài năng thiên bẩm và tình yêu rơkel được bồi đắp tháng ngày, cứ thế mà trở thành nghệ nhân Ma Tham nổi tiếng khắp vùng.
Nói về chuyện làm rơkel, già Ha Sen bảo, để có một chiếc kèn bầu là một quá trình công phu, tỉ mẩn. Trước tiên, chọn quả bầu thật già, dày vỏ, tròn đều và kích thước vừa phải, sau đó vùi vào đất nhão cho ruột rữa ra. Tiếp đến, lấy hết ruột qua lỗ cắt ở cuống, làm sạch và phơi nắng. Sau đó phải có bí quyết xử lý để tránh mối mọt và co giãn; gác quả bầu lên giàn bếp cho phần da lên mầu nâu đỏ và săn, rồi phơi sương vài hôm nữa.
Công đoạn kế tiếp là khoét lỗ ở hông, kiểm tra âm để lắp sáu ống nứa vào thành hai bè: trên bốn, dưới hai hoặc trên ba, dưới ba, tùy theo quy thức từng tộc người. "Ống nứa cũng phải chọn lựa kỹ càng mới phát đúng âm. Trong mỗi ống nứa có gắn một cái "lưỡi gà" để tạo độ rung. Khâu này quan trọng và khó nhất, bởi nó quyết định âm sắc. Cuối cùng mới gắn đường âm (sáu ống nứa) vào hộp âm (quả bầu) và dùng sáp ong hàn kín. Ðể đạt chuẩn âm sắc còn phải chỉnh sửa nhiều lần", già Ha Sen nói.
Có lẽ, Ha Sen được Yàng chọn để trở thành người nối nghiệp làm rơkel cho buôn làng, để kết nối mạch nguồn văn hóa truyền thống. Hơn chục năm qua, chiếc kèn bầu của già Ha Sen đã cùng Ma Tham ngân rung tại nhiều lễ hội buôn làng; lúc tự tình, lúc quyện hòa, hợp tấu với nhiều nhạc cụ truyền thống khác tại hầu khắp buôn làng trong tỉnh Lâm Ðồng, đến khu vực Tây Nguyên…
Ở vùng đất Ðơn Dương, nghệ nhân ưu tú Ma Bio từ lâu đã là một nghệ sĩ trong lòng buôn làng. Bà Ma Bio chia sẻ: "Kèn bầu là nhạc cụ được nhiều dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng trong hầu hết các sinh hoạt cộng đồng, đó là phương tiện truyền tải tâm tư, tình cảm giữa những người con buôn làng và với thần linh. Xưa, nhạc cụ này không thể thiếu trong mỗi gia đình, nay khác rồi…". Ma Bio bỏ lửng câu nói và cất điệu rơkel da diết.
Buôn làng Chu Ru đã bập bùng bếp lửa. Không rượu cần tiễn biệt, lướt nhẹ đôi tay trên chiếc kèn bầu, bà Ma Bio đưa tôi vào chốn siêu thực, qua âm giai trầm bổng giữa đại ngàn, khi trầm thiêng như sấm, lúc róc rách như suối nguồn, khi buông lơi như giọt nắng cuối ngày... Có lẽ, đó là tiếng lòng của người con Chu Ru, luôn khắc khoải theo tiếng kèn bầu truyền thống ■