Phim Việt Nam ở Nhật Bản

Poster phim Việt Nam tại Nhật Bản.
Poster phim Việt Nam tại Nhật Bản.

Nằm ở miền Nam nước Nhật, Thư viện thành phố Fukuoka là nơi phục vụ học tập và nghiên cứu cho công dân thành phố. Đặc biệt, thư viện này lưu trữ rất nhiều bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản và thế giới. Với mong muốn trở thành trung tâm điện ảnh châu Á, Thư viện đã sưu tập và lưu giữ nhiều phim trong khu vực.

Những bộ phim của các tác giả nổi tiếng như Yasujiro Ozu (Nhật Bản), Akira Kurosawa (Nhật Bản), Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan), Đặng Nhật Minh (Việt Nam),... được lưu trữ dưới dạng phim nhựa, trong ba phòng có nhiệt độ và độ ẩm tiêu chuẩn.

Giám đốc bộ phận phim châu Á cho biết: “Mỗi bộ phim bảo quản tại đây, ít nhất 400 năm nữa mới hỏng”. Hiện Thư viện vẫn tiếp tục sưu tập phim từ nhiều nước. Hàng năm, Thư viện tổ chức Liên hoan phim quốc tế châu Á Fukuoka giới thiệu những bộ phim đặc sắc, song song với hoạt động quy mô này là hoạt động Tháng Châu Á.

Có 30 bộ phim Việt Nam hiện được thư viện thành phố Fukuoka lưu giữ bảo quản tại phòng lưu trữ số 3. Phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh được lưu trữ ở đây gồm: Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Mùa ổi...

Đạo diễn Đặng Nhật Minh phát biểu: “Đời người chỉ được trên dưới một trăm năm, mà phim của tôi được lưu giữ ở đây những 400 năm, tôi rất yên tâm”. Hai phim gần đây nhất của Việt Nam được bổ sung vào bộ sưu tập của thư viện là Sống trong sợ hãi (Bùi Thạc Chuyên) và Chuyện của Pao (Ngô Quang Hải).

Chủ đề của Liên hoan phim Việt Nam tháng 11 này là: “Theo dõi 40 năm lịch sử phát triển điện ảnh Việt Nam” (từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay). 20 bộ phim được công chiếu tại rạp của Thư viện. Giám đốc phụ trách phim châu Á, hoặc chuyên viên phim Việt Nam trực tiếp đón tiếp khán giả. Người xem được cung cấp thông tin cơ bản về phim tại bàn tiếp tân.

Trong các buổi chiếu Đời hát rong (Châu Huế), Bụi hồng (Hồ Quang Minh), Thời xa vắng (Hồ Quang Minh), Xương rồng đen (Lê Dân) có khoảng từ 20 đến 30 khán giả. Họ chủ yếu ở lứa tuổi từ 40 đến 70, không có khán giả nào ở độ tuổi từ 16 đến 25.

Điện ảnh Việt Nam không thu hút được giới trẻ Nhật Bản? Vấn đề chính ở đây là đối tượng tới xem phim là những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam, đến văn hóa Việt Nam. Mục đích tiếp cận và nghiên cứu văn hóa dân tộc được đặt lên trên hết ở những khán giả này. Đồng thời, đây cũng là một trong những mục đích phục vụ của thư viện.

Trong thời gian Liên hoan phim diễn ra, đạo diễn Đặng Nhật Minh được mời đối thoại về điện ảnh Việt Nam và quá trình làm những bộ phim của ông. Ông cho biết: “Nhiều năm nay, tôi tự viết kịch bản và chỉ làm những bộ phim do tôi tự viết”.

Hiện hoạt động sưu tập, bảo quản phim Việt Nam tại thư viện vẫn tiếp tục duy trì. Thư viện không chỉ là nơi lưu giữ phim ảnh và các vật phẩm liên quan mà còn là nơi giao lưu điện ảnh, văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Thông qua Thư viện, điện ảnh Việt Nam có cơ hội đến với khán giả rộng rãi hơn.