Hình ảnh thương binh, liệt sĩ trong phim truyện Việt Nam

Cảnh trong phim Ngã ba Đồng Lộc.
Cảnh trong phim Ngã ba Đồng Lộc.

Có một điều dễ thấy là các nhà làm phim, dù ở đâu mức độ thành công nào cũng thể hiện được tấm lòng tri ân, thành kính với các anh hùng liệt sĩ và những người đã hiến dâng một phần xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Chính vì thế mà các nghệ sĩ đều lao động sáng tạo hết mình và phần lớn các phim này đều đoạt giải cao trong các Liên hoan phim (LHP) quốc gia và cả một số LHP quốc tế.

Phim Nguyễn Văn Trỗi của đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo, giải Bông Sen vàng LHP Việt Nam lần thứ  nhất - 1970, Bằng khen của Hội Nhà báo Liên Xô tại LHP quốc tế Mátxcơva - 1967.

Phim Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn Đặng Nhật Minh - giải Bông Sen vàng LHP Việt Nam lần thứ bảy-1985. Giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP quốc tế châu Á - Thái Bình Dương-1986. Phim Cỏ Lau của đạo diễn Vương Đức - giải Ngọn Đuốc vàng LHP quốc tế tại Bình Nhưỡng 1995.

Phim Ngã ba Đồng Lộc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, giải Bông Sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 12-1999.

Đặc biệt gần đây nhất là phim Đời cát của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, đoạt giải phim truyện hay nhất LHP châu Á - Thái Bình Dương - 2000, giải Bông Sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 13-2001.

Ngoài ra còn một số phim giải bạc và nhiều phim khác như: Ai xuôi vạn lý, Anh chỉ có mình em, Người cộng sản trẻ tuổi, Người con gái đất đỏ, v.v.

 Nguyễn Văn Trỗi là bộ phim truyện đầu tiên làm về chân dung một anh hùng liệt sĩ. Làm thế nào vừa thể hiện được chân dung cuộc đời và khí phách anh hùng của người chiến sĩ lại vừa có sức khái quát, điển hình của một nhân vật phim truyện? Đó là khó khăn lớn nhất  của hai đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo. Những người làm phim cũng đã hoàn thành bộ phim với hiệu quả tốt  cả về nội dung và nghệ thuật. Bộ phim không chỉ nêu một tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ mà còn là một câu chuyện tình dung dị, giàu tính nhân văn.

Trong phim Người cộng sản trẻ tuổi, đạo diễn Vũ Phạm Từ đã xây dựng khá thành công hình tượng anh hùng Lý Tự Trọng. Sau hơn 40 năm, sự tích anh hùng Lý Tự Trọng từ trong tâm tưởng, tình cảm sâu lắng của mọi người Việt Nam, lần đầu tiên được hiện lên màn ảnh bằng xương bằng thịt, đã gây xúc động mạnh mẽ. Bộ phim góp một phần đáng ghi nhận vào việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên và khẳng định thêm thủ pháp sáng tạo loại phim truyện về nhân vật anh hùng trong lịch sử đương đại.

Đạo diễn Lê Dân đã nhiều năm ấp ủ đề tài làm phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nhưng mãi đến giữa thập kỷ 90 vừa qua mới thực hiện được mong ước của mình qua bộ phim Người con gái đất đỏ.

Có lẽ phim Ngã ba Đồng Lộc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh là hoành tráng nhất, dữ dội nhất.  Sự đối mặt với kẻ thù không chỉ cần mưu trí, gan dạ, dám hy sinh  mà còn cần cả sự bền bỉ để vật lộn với kỹ nghệ chiến tranh hiện đại của kẻ thù, sự khốc liệt của thiên nhiên và sự thử thách dai dẳng của cái khổ và cái chết. Bộ phim gây xúc động mãnh liệt về hình ảnh những cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Họ chưa hề có một lời thề trước quân kỳ như những người lính chiến, nhưng đã dành cả tuổi thanh xuân và mạng sống của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc như những người chiến binh thực thụ: gan dạ, anh hùng chỉ với một cái tên chung giản dị như cuộc đời của chính họ: "Thanh niên xung phong"!.  Bộ phim Ngã ba Đồng Lộc không chỉ là tình cảm và sự tri ân của những người đang sống với anh linh những người đã hy sinh mà còn là tác phẩm nghệ thuật xuất sắc hoàn thành được chức năng phản ánh trung thực lịch sử.

Cuộc chiến tranh nào cũng để lại những nỗi đau sâu thẳm: sự mất mát của những người chiến sĩ giữa trận tuyến và bi kịch của những người trở về sau chiến sự. Sự mất mát còn có thể được thời gian xoa dịu, nhưng bi kịch của chiến tranh thì hầu như dai dẳng mãi, cứa mãi vào tình cảm, tâm hồn con người, đôi khi còn nặng nề hơn cả cái chết. Chuyện xảy ra ở bộ phim Đời cát của đạo diễn Thanh Vân là như vậy.

Phim không chỉ nói nỗi đau mà từ nỗi đau tìm ra cội nguồn của hạnh phúc. Nếu con người biết vì hạnh phúc của nhau, biết tự mình vượt lên mình, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh về mình, sẽ có được những phẩm chất cao quý của con người, của chủ nghĩa nhân văn cao cả trong mất mát, hy sinh.

Đi vào đề tài mất mát thương đau của cuộc chiến tranh vệ quốc là đi tìm cội nguồn của cái đẹp và niềm vui. Những bộ phim về thương binh liệt sĩ, dù ở những mức độ thành công khác nhau, nhưng đều thể hiện sự quyết tâm kiếm tìm, sáng tạo nghệ thuật với một mục đích: đi tìm cội nguồn của cái đẹp và niềm vui, cội nguồn của sức mạnh Việt Nam.