Tuyên truyền ý thức phân loại rác

Nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, trong “Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt” do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, các tỉnh, thành phố sẽ tuyên truyền để người dân bắt đầu phân rác thành ba loại, muộn nhất đến ngày 31/12/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Các loại thùng đựng sẽ được lắp đặt nhiều hơn để người dân quen dần với việc phân loại rác.
Các loại thùng đựng sẽ được lắp đặt nhiều hơn để người dân quen dần với việc phân loại rác.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiên cứu, triển khai hướng dẫn phân loại phù hợp hạ tầng kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính của địa phương.

Theo đó, về phân loại rác, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được chia làm ba loại. Loại thứ nhất là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy thải (hộp, túi, lọ cốc bằng giấy, sách, truyện, thùng bìa carton, giấy bọc...), nhựa thải (bao bì nhựa đựng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế...). Cùng với đó là kim loại thải (đồ bằng kim loại giống như nhựa thải và đồ dùng nhà bếp như nồi, niêu, ấm nước, bếp gas, vật dụng nhỏ như bát, đĩa, thìa, dĩa...), các loại thủy tinh thải, vải đồ da, đồ gỗ, cao-su, săm lốp, thiết bị điện tử.

Phương thức phân loại được gợi ý đối với loại chất thải này là loại bỏ nước, dung dịch chứa bên trong, thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước, thể tích. Riêng đối với thiết bị điện tử thì giữ nguyên hiện trạng, không tháo rời.

Loại thứ hai là chất thải thực phẩm gồm thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn. Chất thải này cần đựng trong túi, bao bì kín, không rò rỉ, ngăn mùi phát tán.

Loại thứ ba là nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác gồm chất thải nguy hại (bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini, găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất); kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh, bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân thải.

Trong nhóm này còn có loại chất thải cồng kềnh như ghế, giường, tủ, khung cửa, gốc cây; một số chất thải như phân động vật, tã bỉm, đầu mẩu thuốc lá, hộp xốp, giày dép. Loại rác thải này phải được đựng, chứa trong túi, bao bì, tránh phát tán ra ngoài môi trường. Các vật sắc nhọn (như kim tiêm) phải được xếp gọn để tránh gây thương tích trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý.

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 cho biết, mỗi ngày cả nước phát sinh gần 65 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 9.500 tấn, Hà Nội hơn 6.500 tấn. Việc ban hành hướng dẫn được kỳ vọng là cơ sở để các địa phương thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2022. Nếu người dân, hộ dân không phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạt hành chính.

Theo Nghị định 45/2022, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt từ 0,5 - 1 triệu đồng. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, Ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200-250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt. Mức phạt từ 250-300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư.