Đồng bộ các biện pháp ứng phó với lũ quét, sạt lở đất

Vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 34 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang ngày 13/7 đã thêm một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của lũ quét, sạt lở đất, một trong những loại hình thiên tai diễn ra nhanh, bất ngờ và thường gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản tại các tỉnh miền núi. Chính vì vậy, ứng phó với lũ quét, sạt lở đất cần được chủ động từ sớm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ sạt lở.
Hiện trường vụ sạt lở.

Nhìn lại những trận mưa lũ, sạt lở đất ở nước ta trong nhiều năm qua, có thể thấy, mặc dù đã có những bài học và đúc rút kinh nghiệm, nhưng nhiều địa phương vẫn còn khá bị động trong việc cảnh báo, ứng phó, khắc phục thiên tai, vẫn để xảy ra nhiều thiệt hại nặng nề.

Đặc biệt, đợt mưa lớn nhất trong 30 năm xảy ra tại tỉnh Hà Giang vào tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua đã làm các tuyến quốc lộ quan trọng nối từ thành phố Hà Giang lên các huyện vùng cao bị chia cắt do sạt lở đất. Mưa lũ, sạt lở đất làm hàng nghìn ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại vật chất hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, lũ quét, sạt lở đất cũng gây thiệt hại nặng tại các tỉnh miền núi khác như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu... trong những tháng đầu năm 2024.

Mặc dù đã có nhiều cải tiến trong việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, tuy nhiên, dự báo được lũ quét, sạt lở đất về thời gian, khu vực và mức độ của hiện tượng này lại là điều chưa làm được ở nước ta và ngay cả ở các nước tiên tiến trên thế giới. Do đó, nhằm hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra trước mắt chỉ giới hạn ở việc cảnh báo và cảnh giác của người dân. Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Khí tượng-Thủy văn đã và đang cố gắng tập trung phát triển nền tảng công nghệ số với hệ thống đo mưa, radar, quan trắc lượng mưa tự động, ước lượng được diện rộng của lượng mưa. Đồng thời với các bản đồ đã xây dựng từ trước để phân vùng lũ quét, sạt lở đất, kết hợp với nghiên cứu các ngưỡng, khả năng xảy ra hiện tượng này để cảnh báo sớm vùng có nguy cơ diễn ra.

Thực tế cho thấy, nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt đất. Thế nên động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực sạt trượt tiềm năng. Tiếp đó cần cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp.

Về lâu dài, để giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, cần thực hiện đồng bộ hai biện pháp công trình và biện pháp phi công trình. Về biện pháp công trình cần đẩy mạnh hơn nữa trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ. Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét. Tổ chức khai thông các đường tập trung lũ ở phía thượng lưu, các khu vực cần bảo vệ nhằm mục đích không để sinh ra hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy, tích tụ nước tạo ra lũ quét nghẽn dòng. Mặt khác, cần xây dựng đê, tường chắn lũ quét, nhằm ngăn chặn các tác động của lũ quét đối với khu vực cần bảo vệ.

Còn các biện pháp phi công trình trong thời gian tới cần đẩy nhanh quá trình lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét. Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét. Đặc biệt, chú trọng việc quản lý sử dụng đất, hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, cần có quy hoạch lại và tái định cư đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao. Điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ. Thực hiện biện pháp “nông, lâm kết hợp” để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Sơ tán dân khỏi vùng lũ quét để giảm thiểu thiệt hại…

Với việc chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp công trình và phi công trình, đồng thời nâng cao ý thức phòng, tránh của người dân, hy vọng sẽ giảm đáng kể những thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra.