Sáng 15/4, đồng bào Khmer tập trung khá đông ở 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh. Ngoài thực hiện các nghi lễ trong chùa, bà con còn tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí rất đông vui, náo nhiệt.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh thăm, tặng quà, chúc tết Chùa Chín Ngàn. |
Tết năm nay, niềm vui của các vị sư sãi, sa di, bà con Phật tử tại chùa Ratana Paphia Vararam (Chùa Chín Ngàn) ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy như được nhân đôi khi Chánh điện của chùa này vừa mới được khánh thành, đời sống vật chất, tinh thần cũng được nâng lên.
Ông Thạch Bích, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, bày tỏ: “Bà con ở đây sống nhờ vào cây lúa, năm nay được mùa lại trúng giá, ai cũng rất phấn khởi, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đủ thứ. Gặp nhau, ai cũng tươi cười, hạnh phúc”.
Gia đình ông Thạch Bích đón Tết tại nhà. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, Lê Văn Sơn, thông tin: "Trên địa bàn ấp 4 của xã có trên 80 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế gia đình, mức sống bà con ngày một nâng lên. Trong 80 hộ đồng bào Khmer chỉ còn 2 hộ nghèo, địa phương đang tạo mọi điều kiện để giúp bà con thoát nghèo trong thời gian tới".
Ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, bà con dân tộc Khmer cũng đón tết không kém phần vui tươi, sung túc. Ông Thạch Mi, ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, cho hay, để đón tết, gia đình ông đã sửa nhà, xây hàng rào mới, tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng.
“Tết là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính đối với ông bà, cha mẹ. Cho nên, phải lo nhà cửa sao cho sạch sẽ. Gia đình tôi còn gói bánh, mua cho mấy đứa cháu vài bộ đồ mới để vui chơi. Năm mới, mong muốn an lành, hạnh phúc, các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, cuộc sống sung túc” - Ông Thạch Mi bày tỏ.
Còn hộ ông Danh Mựt, ở ấp 8, xã Vĩnh Trung cũng rộn ràng không kém. Ngoài dọn dẹp nhà cửa, ông còn mua tủ thờ, ti-vi… tổng giá trị trên 40 triệu đồng.
Theo ông Danh Mựt, sau một năm vất vả, gia đình ông trân trọng nhất là khoảnh khắc sum họp gia đình trong những ngày tết. Đây cũng là dịp để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo đối với ông, bà, cha, mẹ; đồng thời, gặp gỡ bè bạn, mừng tuổi, mừng thành quả qua một năm lao động sản xuất, học tập…
Qua đó, Tết hướng mọi người làm những việc thiện để năm mới bản thân và gia đình được hưởng an vui, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn.
Theo Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, đi các chùa, nhìn thấy chánh điện và các hạng mục trong khuôn viên chùa khang trang chứng tỏ từng phum sóc, địa phương có kinh tế ổn định, bà con khá giả. Bởi vì nếu chùa khang trang, sạch sẽ thì thể hiện người dân khá giả, nền nếp.
Bà con Khmer thực hiện nghi thức ngày Tết tại Chùa Chín Ngàn. |
Với đồng bào dân tộc Khmer, chùa là ngôi nhà thứ hai, không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng, tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, xem đây là nơi gởi gắm tâm tư, nguyện vọng để các vị trụ trì có điều kiện truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của bà con đến chính quyền địa phương.
Do đó, việc chuẩn bị đón tết ở các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều được chuẩn bị tươm tất. Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Hậu Giang hiện có hơn 26.000 người Khmer (chiếm hơn 3% dân số của tỉnh) và 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe, phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo cho đồng bào Khmer".
Tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện các Nghị quyết, quyết định, chương trình, các chế độ chính sách của Trung ương góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc trên địa bàn, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer xuống 11%.
Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào đón tết vui tươi, ấm áp, Hậu Giang còn tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà, chúc tết tại Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 2 trường dân tộc nội trú; tổ chức họp mặt các vị sư sãi, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn...
Sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước cả về vật chất, lẫn tinh thần thời gian qua đã giúp đồng bào Khmer đón tết cổ truyền càng thêm vui tươi, ấm áp, sung túc.
Các hoạt động trên tiếp tục khẳng định đường lối, chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng ta về vấn đề dân tộc; thể hiện sự quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.
Qua đó cũng để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc trong việc thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thời gian qua; chúc mừng, động viên đồng bào tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Hồ Thu Ánh, Hậu Giang, cho biết: "Địa phương đang tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10 tháng 1 năm 2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Đồng thời, địa phương cũng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập, góp phần giúp đồng bào Khmer ổn định đời sống, yên tâm học tập, lao động và sản xuất…
Sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước cả về vật chất, lẫn tinh thần thời gian qua đã giúp đồng bào Khmer đón tết cổ truyền càng thêm vui tươi, ấm áp, sung túc.