Đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm (Hà Tĩnh)

NDO - Sáng 21/4, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) long trọng tổ chức lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền, nhân dân địa phương.
Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền, nhân dân địa phương.

Lễ hội Cầu ngư của làng Cam Lâm được tổ chức vào dịp đầu năm mới, bắt đầu từ lễ Khai hạ nhằm vào ngày 6 âm lịch và kết thúc vào ngày lễ chính là rằm tháng Giêng hằng năm, với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân nghề biển và các ngành, nghề khác tham gia, trở thành hoạt động chung cho nhiều người dân trên địa bàn.

Từ lễ Tất niên vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm cho đến lễ Khai hạ từ mồng 6 Tết kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng là chuỗi hoạt động của lễ hội, gồm lễ dâng hương tại 2 đền và đình làng để tri ân Thành hoàng làng, các vị đại thần đã che chở cho người dân trong một năm làm ăn mưa thuận gió hòa; dâng hương tại các nhà thờ họ, tổ chức hoạt động văn nghệ thể thao và các trò chơi dân gian... kết thúc là rước kiệu các bài vị về các đền và đình.

Sáng ngày 16 tháng Giêng là lễ xuất quân của ngư dân ra khơi đánh cá, bám biển với nghề truyền thống, đồng thời ký các cam kết về bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm (Hà Tĩnh) ảnh 1
Người dân làng Cam Lâm thực hiện nghi lễ rước theo phong tục địa phương.

Lễ hội Cầu ngư Làng Cam Lâm mang đậm nét dân gian gắn liền với cuộc sống của cư dân miền biển nơi đây.

Ngoài ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, còn mang ý nghĩa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị tiền nhân có công lập làng và dựng nghề; ẩn chứa những giá trị tích cực tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của con người, bảo tồn và phát triển những loại hình tín ngưỡng dân gian trong xã hội hiện nay và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa lễ hội.

Ngày 21/2/2024, Lễ hội cầu Ngư làng Cam Lâm, xã Xuân Liên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân xã Xuân Liên.

Đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm (Hà Tĩnh) ảnh 2
Văn nghệ chào mừng tại Lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tích xưa kể lại: Vào một buổi sáng, ngoài biển trôi dạt vào bãi cát của làng một bộ xương cá voi, người dân trong làng đã đưa về đặt thờ trong đền làng. Mỗi khi ra khơi đánh cá, người dân đều đến đền làm lễ cầu xin bình an, may mắn và rất linh nghiệm.

Về sau, dân làng xin lập đền riêng để thờ vị ngư thần gọi là đền Đông Hải.

Trước đây, ngoài ngôi mộ cá voi được chôn ngay giữa gian chính điện còn có 17 mộ cá Ông được người dân đưa chôn cất tại khu vực đền. Đến nay, người dân đã tiếp nhận, an táng 28 ngôi mộ cá Ông tại đền Đông Hải.

Cũng theo gia phả của các dòng họ tại làng Cam Lâm ghi lại, việc xây dựng nên truyền thống lễ hội này gắn liền với sự ra đời của làng.

Làng Cam Lâm (xã Xuân Liên) trước đây có 5 thôn nay sát nhập còn lại 3 thôn. Đền thờ cá Ông hay còn gọi là đền Đông Hải được xây dựng cách đây gần 300 năm nằm ở thôn Lâm Hải Hoa; thờ vị thần Đông Hải Đại Vương.

Hiện nay, đền còn lưu giữ nhiều sắc phong Vua ban và được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2017.