Khơi dậy sức dân
Còn nhớ, trước thời điểm tiến hành xây dựng nông thôn mới (NTM), theo đánh giá, xã cao nhất của huyện cũng mới chỉ đạt bốn tiêu chí, phần lớn chưa đạt tiêu chí nào. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới 18%, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn sáu triệu đồng/năm... Với thực tại đó, để đưa huyện Nghi Xuân về đích NTM, cần thực hiện một khối lượng công việc với kinh phí đầu tư lớn, trong lúc ngân sách nhà nước cho chương trình còn hạn chế. "Giữa muôn vàn những khó khăn, Ðảng bộ huyện Nghi Xuân xác định, hướng xây dựng NTM cần dựa trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống, với mục tiêu làm giàu thêm các giá trị văn hóa làng xã để chủ thể NTM thật sự là người dân" - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam khẳng định. Từ đường hướng đó, huyện Nghi Xuân tiếp tục lựa chọn, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người dân có tư duy đổi mới xây dựng mô hình sản xuất điểm nổi bật về ứng dụng công nghệ, phương thức sản xuất mới theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương nhằm tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
Ðồng thời, thông qua việc bồi đắp, làm giàu thêm các giá trị văn hóa làng xã, từ đó, đánh thức khát vọng của chính người dân để đổi mới quê hương và thay đổi chính mình. Nhờ đó, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả bằng công nghệ tiên tiến như: mô hình nông nghiệp công nghệ cao (tại xã Xuân Mỹ); mô hình Trung tâm Sản xuất giống tôm Thông Thuận (xã Cương Gián) quy mô ba tỷ con/năm; mô hình trồng rau thủy canh lớn nhất Hà Tĩnh của Hợp tác xã An Tâm Farm (xã Xuân Hải); các mô hình phát triển kinh tế trang trại, trồng dưa lưới theo công nghệ I-xra-en (xã Xuân Viên); trại lợn giống siêu nạc phục vụ chăn nuôi (xã Xuân Thành, Cổ Ðạm)... đã được gây dựng, góp phần hình thành nên 694 mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có 217 mô hình có doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Ðây chính là tiền đề quan trọng, góp phần đưa mức thu nhập bình quân của toàn huyện lên 43 triệu đồng/người/năm. Khi kinh tế gia đình khá hơn, người dân đã tự nguyện góp công, góp của xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống, sản xuất của chính mình. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018, Nghi Xuân đã huy động gần 300 tỷ đồng từ người dân để xây dựng NTM.
Những ai từng sống ở các xã vùng bãi ngang Nghi Xuân xa quê lâu ngày khi về mới thấy rõ sự thay đổi rất nhiều của quê hương. Theo ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn Thành Yên (Xuân Thành), thoạt đầu những con số thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm/mỗi vườn hộ sẽ khiến nhiều người không tin. Bởi xưa nay, ngoài cây phi lao ra, không cây nào có thể chống chọi ở vùng khí hậu khắc nghiệt này, thế mà hôm nay, hàng trăm vườn mẫu cây trái bốn mùa cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm lại hình thành ngay trên vùng đất khó. Con đường bê-tông sạch sẽ với hàng rào xanh hai bên được cắt tỉa gọn gàng dẫn đến khu dân cư NTM kiểu mẫu ở thôn Thành Yên (Xuân Thành) mang lại cho mọi người cảm giác thanh bình.
Ðồng chí Bí thư Chi bộ thôn Thành Yên Lê Thị Hồng cho biết: Ðể có hệ thống hạ tầng giao thông khang trang cùng những mô hình kinh tế hộ "ăn nên, làm ra" như hôm nay, chúng tôi đã phát huy cao độ quyền làm chủ của người dân. Mọi việc từ nhỏ đến lớn đều được bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai. Cấp ủy, chính quyền chỉ thống nhất đường hướng, cách thức nhằm đạt được mục tiêu chung đã đề ra. Quan trọng nhất là, đội ngũ cán bộ đảng viên phải "đi đầu, bước trước" để người dân noi theo. Ðơn cử, để mở rộng mặt đường từ sáu mét lên chín mét tại trục đường chính của thôn có chiều dài 2,1 km, chúng tôi đã công khai chính sách giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nguyên vật liệu và quy trình thực hiện để người dân bàn thảo. "Ngoài việc tiên phong hiến đất, hiến tài sản của gia đình mình, các đảng viên trong chi bộ thôn Thành Yên như: Lê Huy Du, Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Văn Hựu... cũng cùng làm việc như những công nhân thực thụ. Nhìn thấy cán bộ, đảng viên tận tâm việc làng, việc xóm, chẳng có nguyên cớ gì chúng tôi lại đứng ngoài cuộc" - ông Nguyễn Hùng Cường, ở thôn Thành Yên cho biết.
Nỗ lực cho mục tiêu mới
Có được những kết quả trên, ngoài nỗ lực của người dân, nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Nghi Xuân đã rất chú trọng đến thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư, dự án có tầm cỡ làm "đầu kéo" như: Khu đô thị nghỉ dưỡng kết hợp sân gôn Xuân Thành, các khu đô thị ở Xuân An, Cương Gián, Xuân Liên; dự án nâng cấp Khu lưu niệm Nguyễn Du... Kế đến là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tất cả các khu du lịch ven biển với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, kết nối các vùng kinh tế lớn của khu vực. Từ đó khai thác hiệu quả không gian phát triển ven biển, theo tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, trọng tâm là kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, thương mại để đưa Nghi Xuân trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động cửa ngõ phía bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Chặng đường thực hiện Nghị quyết Ðại hội đảng bộ huyện Nghi Xuân lần thứ 21 vừa qua cho thấy, khi đã xây dựng được đường hướng đúng, có sự đoàn kết, quyết tâm cao, nhưng nếu không xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ tầm, thạo việc thì việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhận thức rõ điều đó, nên ngay từ đầu, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về công tác cán bộ giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là cán bộ trẻ, nữ, cán bộ cấp xã. Tăng cường luân chuyển cán bộ nhất là luân chuyển về cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc giúp cơ sở giải quyết khó khăn, kiên quyết, kịp thời thay đổi, sắp xếp cán bộ ở những phòng, ban, cơ sở trì trệ, tín nhiệm thấp...
Kết quả đạt được trong những năm qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên Ðại hội Ðảng bộ huyện Nghi Xuân lần thứ 22 cần nhận diện rõ những nguyên nhân vì sao còn những chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 21 đề ra không hoàn thành, nhất là các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, thu ngân sách trên địa bàn, thu nhập bình quân đầu người. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp chuyển biến chậm. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu, nhất là lĩnh vực tài nguyên, môi trường...
Ðặc biệt là nhận định, dự báo những khó khăn khi xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa theo quyết định của Trung ương. "Kế thừa, phát triển những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhất là trong quá trình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới vẫn là phải giữ vững được sự đoàn kết, nhất trí cao trong Ðảng, sự đồng thuận và quyết tâm cao trong nhân dân. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển của huyện. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng và chỉnh trang đô thị.
Tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng; rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch phù hợp với việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cùng với việc xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch làm tiền đề, nền tảng quan trọng để xây dựng Nghi Xuân sớm trở thành đô thị trực thuộc tỉnh", đồng chí Phan Tấn Linh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân nhấn mạnh.