Học Truyện Kiều trên đất Nghi Xuân

NDO -

Như một lẽ tự nhiên trong hàng trăm năm nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du được lưu truyền rộng rãi, trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Hôm nay, trên chính quê hương của Danh nhân văn hóa thế giới, việc đọc và yêu Truyện Kiều đã trở thành thói quen thường nhật của các thế hệ trẻ nơi đây.  

Học sinh Nghi Xuân biểu diễn trò Kiều.
Học sinh Nghi Xuân biểu diễn trò Kiều.

Không biết có phải vì cơ duyên từ ngôi trường tọa lạc bên trong khu vườn cũ của gia đình cụ Nguyễn Du hay không nhưng điều chắc chắn, khi đến Trường tiểu học thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ai cũng dễ dàng bắt gặp những câu thơ Kiều thân thuộc thay cho lời chào mến khách của các em học sinh nơi đây. 

Học Truyện Kiều trên đất Nghi Xuân -0
Học sinh trường Tiểu học thị trấn Tiên Điền hào hứng tìm đọc Truyện Kiều trong giờ giải lao.  

Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Cẩm Nhung, Tổng phụ trách đội (Trường tiểu học thị trấn Tiên Điền), trong khuôn viên của nhà trường đang lưu giữ những kỷ vật gắn bó với Đại thi hào Nguyễn Du lúc sinh thời, đó là cây đại được trồng trước khu vườn nhà cụ Nguyễn, là hòn đá tảng tương truyền được cụ Nguyễn đưa từ núi Hồng Lĩnh về làm nơi đọc sách. 

Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, công trình xây dựng Thư viện văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du được hoàn thành đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào về văn hóa dân tộc cũng như kết nối, nuôi dưỡng niềm đam mê Truyện Kiều đối với các thế hệ học sinh nơi đây. 

Học Truyện Kiều trên đất Nghi Xuân -0
Một giờ ngoại khóa của học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Nghi Xuân). 

Theo cô giáo Lê Thị Cẩm Nhung, năm 2015, sau khi Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian nhà trường được thành lập, cùng với các hoạt động khôi phục dân ca ví dặm, các loại hình nghệ thuật xuất phát từ Truyện Kiều như: ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều… được giới thiệu, tiếp cận một cách phong phú, đa dạng, thu hút sự tham gia nhiệt thành của đông đảo giáo viên, học sinh. Năm học 2019 - 2020, nằm trong chuỗi các hoạt động hướng về đợt kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, nhà trường đã tổ chức cuộc thi “Đọc thuộc Truyện Kiều”.

“Mặc dù đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức cuộc thi này nhưng kết quả mang lại nằm ngoài sức tưởng tượng. Hầu hết các em học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 đều đăng ký tham dự cuộc thi, sau các vòng sơ khảo, vòng loại, chúng tôi đã chọn ra những em xuất sắc nhất vào thi vòng chung kết tại chính Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Thật không ngờ, các em dù tuổi còn nhỏ nhưng có năng khiếu cảm nhận Truyện Kiều tốt đến thế. Nhìn phong cách thể hiện chững chạc cùng với âm điệu, giọng đọc lúc thăng lúc trầm, khi khoan thai khi sâu lắng của các cháu mới hôm qua thôi đang còn được ru ngủ bởi câu Kiều, người nghe càng thấu hiểu hơn sức lan tỏa, tính nhân văn mà Truyện Kiều đã mang lại”, cô Cẩm Nhung cho biết. 

Em Hoàng Lê Hà Linh, học sinh lớp 4B (Trường tiểu học thị trấn Tiên Điền) chia sẻ, hiện nay em đã thuộc lòng được gần 600 câu thơ Kiều. Khi mới tiếp cận Truyện Kiều, em thấy nhiều câu rất quen thuộc, dễ đọc, dễ nhớ, giống như những câu ca dao mẹ hát cho em nghe. Khi tham gia cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều ngoài việc đọc thuộc các đoạn do ban tổ chức yêu cầu, thí sinh còn phải trả lời các câu hỏi kiểm tra kiến thức, hiểu biết về tác giả, tác phẩm. Vì vậy, chúng em càng phải tìm hiểu, hỏi han nhiều hơn về Truyện Kiều, về cụ Nguyễn Du. 

Từ thành công của cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều ở Trường tiểu học thị trấn Tiên Điền, ngành giáo dục Nghi Xuân đã nhân rộng và tổ chức cuộc thi “Đọc thuộc Truyện Kiều” trong toàn huyện. Theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Nghi Xuân, sau khi tham dự cuộc thi, rất nhiều giáo viên ở hầu hết các trường trên địa bàn đã thuộc đến 2.000 câu thơ, học sinh thuộc 500-600 câu thơ, thậm chí có những học sinh lớp 2,3 cũng đã thuộc đến hàng trăm câu thơ Kiều.     

Cô giáo Trần Thị Xuân Thu, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, một trong những giáo viên thuộc hết 3.254 câu thơ Kiều chia sẻ: “Ngày xưa mẹ của tôi là diễn viên trong đội văn nghệ quần chúng biểu diễn trò Kiều của xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân). Từ những câu hát ru đầu tiên đến lúc trưởng thành, nhiều câu thơ Kiều đã ngấm vào huyết quản của tôi. Dù không phải là giáo viên dạy văn nhưng với vai trò của  một giáo chủ nhiệm lớp tôi thấy mình cần phải quan tâm tường tận đến hoàn cảnh của mỗi học sinh. Trong mỗi tình huống sư phạm, tôi luôn đề cao tính vị tha, khoan dung, cố gắng truyền tải yêu thương bằng sự sẻ chia, lắng nghe học trò”.  

Học Truyện Kiều trên đất Nghi Xuân -0
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân trao giải cho các thí sinh đạt giải tại cuộc thi “Đọc thuộc Truyện Kiều” lần thứ nhất năm 2019. 

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Xuân, bà Đinh Thị Lan Hương cho biết, nhằm giúp giáo viên, học sinh trên địa bàn thấm đẫm hồn cốt và những giá trị nhân văn của Truyện Kiều, thời gian qua ngành giáo dục Nghi Xuân đã có nhiều cách tiếp cận về Nguyễn Du và Truyện Kiều, từ các tiết dạy chuyên đề Truyện Kiều trong nhà trường, đến sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề “Em yêu Truyện Kiều”, “Trường em với kiệt tác Truyện Kiều” đến các cuộc thi “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều”, “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”… đều được các giáo viên học sinh tham gia đông đảo, nhiệt tình, góp phần khẳng định giá trị, sức sống bền bỉ của Truyện Kiều. 

Cũng theo chia sẻ của cô Đinh Thị Lan Hương, không chỉ học sinh phổ thông, hiện nay rất nhiều trẻ mầm non ở Nghi Xuân đã thuộc được thơ Kiều. “Các cháu không phải là đối tượng tham dự các cuộc thi nhưng khi cô giáo đọc Kiều, ngâm Kiều, các cháu nhỏ đọc theo như một lẽ tự nhiên và thuộc thơ Kiều như thuộc những câu hát vẫn ngân lên trong mỗi giờ lên lớp”, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Xuân nói thêm.