Đặc sắc Lễ hội Cầu ngư truyền thống Đà Nẵng năm 2024

Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê (thành phố Đà Nẵng) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải, lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Với quận Thanh Khê, Lễ hội Cầu ngư truyền thống được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của ngư dân vùng biển, là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt thể hiện bản sắc văn hóa dân gian, là dịp để tỏ lòng thành kính cũng như sự mong mỏi của người dân về một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Cầu ngư là nét văn hóa độc đáo lâu đời của ngư dân miền biển.
Lễ hội Cầu ngư là nét văn hóa độc đáo lâu đời của ngư dân miền biển.

Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024 được tổ chức trong ba ngày (từ 27-29/2) tại Công viên biển Hà Khê. Tại lễ hội, ngoài phần lễ được diễn ra theo nghi thức truyền thống thì phần hội đa dạng gồm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng biển… Cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động trong phần lễ và hội gắn với nghề biển, Lễ hội Cầu ngư cũng là dịp để mọi người động viên nhau bám biển, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa của người dân.

Đặc sắc Lễ hội Cầu ngư truyền thống Đà Nẵng năm 2024 ảnh 1

Các vị bô lão vùng biển Xuân Hà, trong phần chính lễ của Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê ngày 29/2.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng chuẩn bị để nâng cấp Lễ hội Cầu ngư truyền thống này lên tầm lễ hội cấp thành phố, nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này, đồng thời tạo thêm các sản phẩm du lịch ấn tượng phục vụ người dân, du khách.