Đón nắng mới ở Mò O Ồ Ồ

Giữa cơn mưa nặng trĩu hạt, chỉ qua vài giờ, người Rục ở Cà Xèng (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) lỡ rời bản gặp khó để về lại nhà vì nước lũ dâng tứ bề, ngập hết ngầm tràn, biến đường thành sông. Thế mà sáng mai, nước cũng như mưa, vội đến rồi cũng vội rút, “đỏng đảnh” như thời tiết rầm rĩ, khắc nghiệt quanh năm của đại ngàn Trường Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Hồ Thị Pấy (người Rục) trò chuyện cùng con gái và cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Bình.
Bà Hồ Thị Pấy (người Rục) trò chuyện cùng con gái và cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Bình.

Mặc cho gian khó, bản Mò O Ồ Ồ vẫn hiện ra yên bình với những dãy nhà kiên cố mà người Rục nơi đây được Nhà nước hỗ trợ để định cư từ những năm 1960. Người Rục là một nhánh của Chứt - dân tộc thiểu số ít người, từ ngày rời hang đá vẫn đang miệt mài, cần mẫn lao động, học tập, vươn lên để đón nắng mới, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn từng ngày.

Sau hơn 60 năm trở về

Người Rục ở Minh Hóa từ khi được phát hiện thì theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Xuân Trang: “Họ rất sợ nắng… Theo họ, nắng có thể đốt làm đau đầu rồi chết”. Trong hai năm 1959 và 1960, với nỗ lực của cơ quan chức năng và lực lượng biên phòng, những đồng bào Rục anh em đầu tiên được phát hiện và đưa ra khỏi bóng tối của rừng rậm, của hang đá. Thế nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn để có thể hòa nhập, với những cuộc tái định cư ban đầu về thung lũng Rục Làn bất thành.

Đồng chí Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng kể: “Trong quá trình rời cuộc sống biệt lập ở rừng sâu, người Rục nhiều lần bỏ nhà về lại với hang đá. Nhưng với nhiều nỗ lực của chính quyền, lực lượng biên phòng, sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác ở đây, sau rất nhiều năm, đồng bào Rục dần quen với nếp sống định cư, học trồng lúa, làm nương, nỗ lực thay đổi cuộc đời”.

Trong quá trình rời cuộc sống biệt lập ở rừng sâu, người Rục nhiều lần bỏ nhà về lại với hang đá. Nhưng với nhiều nỗ lực của chính quyền, lực lượng biên phòng, sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác ở đây, sau rất nhiều năm, đồng bào Rục dần quen với nếp sống định cư, học trồng lúa, làm nương, nỗ lực thay đổi cuộc đời.

Đồng chí Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng

Trung tá Phạm Xuân Ninh cùng đồng đội chính là những người đồng hành cùng người Rục chống lại số phận, sự khắc nghiệt của trời đất nơi núi rừng biên viễn để học cách canh tác lúa nước. Từ năm 2010, cánh đồng Rục Làn dần thành hình từ những ruộng lúa thử nghiệm đầu tiên, đều do “các thầy” là cán bộ chiến sĩ biên phòng tự tay làm mọi công đoạn, còn “học trò” chỉ đứng nhìn và học từ con số 0. Quả ngọt cũng đến với lớp học đặc biệt này khi 5-7 năm gần đây, người Rục đã khá thuần thục cách chăm sóc lúa, cải thiện nhiều về nguồn cung lương thực, hỗ trợ tốt hơn cho đời sống định cư.

Bà Hồ Thị Pấy chỉ về những khoảnh ruộng được chia của gia đình kể: “Chồng tôi mất từ năm 2016. Một mình phải nuôi 8 đứa con. Nếu không có những ruộng lúa do bộ đội chỉ cách làm thì không biết xoay xở như thế nào”. Bà Pấy nói chẳng sõi tiếng phổ thông, nhưng tay nghề làm nông thì thuộc hàng… “đầu bản”. Mấy năm nay, bà tìm học cách nuôi gà, nuôi bò nhưng khó khăn nhất vẫn là chống chọi với dịch bệnh triền miên nơi xóm núi hoang vu.

“Bò nhà có mấy con thì vừa bị dịch chết. Nhưng có kinh nghiệm rồi, năm sau vay tiền nuôi lại”, Trung tá Ninh truyền đạt lại lời kể của bà Pấy với niềm rạng rỡ khi người Rục lớn tuổi như bà không hề ngại làm lại, đã biết tính toán để tự lo cho cuộc sống bản thân và gia đình.

Dọc theo con đường độc đạo chạy xuyên Mò O Ồ Ồ, hai bên đường là những ngôi nhà gạch tuy nhỏ nhưng cứng cáp nằm kế tiếp nhau, nhìn từ trên cao xuống như hai con sóng nước chạy quanh triền núi. Những ngôi nhà này là thành quả sau những chính sách tái định cư được thực hiện suốt hàng chục năm để người Rục có một cuộc sống ổn định, chất lượng hơn. Từ những ngôi nhà kiên cố, những khoảnh ruộng cung cấp lương thực, đàn gà, con trâu... đời sống tinh thần và tri thức của đồng bào nơi đây cũng sáng lên, len lỏi trong những hộ gia đình đã không còn “sợ nắng đốt”, mạnh dạn bước ra mặt trời để sống tốt, vươn lên.

Người Rục chuẩn bị cho tương lai

Xóm núi trong ngày mưa lũ xầm xì, bỗng rộn ràng hơn khi hôm nay, cô con gái thứ ba của bà Hồ Thị Pấy đi học xa về nhà. Điều đặc biệt hơn cả, Cao Thị Lệ Hằng (sinh viên năm thứ nhất, Trường đại học Quảng Bình) là người Rục đầu tiên trở thành sinh viên, thật sự là “một bước nhảy vọt” theo lời Thiếu tá Đinh Lâm Viên, Phó Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ. Hằng thi đỗ ngành sư phạm của Đại học Huế, thế nhưng cô lại quyết định nhập học ở Trường đại học Quảng Bình theo chính sách thu hút nhân tài về đào tạo tại chính quê hương của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

Đồng chí Lê Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Quảng Bình kể: “Tôi đồng hành với Hằng từ những ngày đầu tiên nhập học. Ấn tượng đầu tiên là một cô bé rụt rè, lần đầu rời xa bản làng đến giảng đường. Hằng ít nói, ngại tiếp xúc nhưng chỉ sau một năm học, cô sinh viên bản lĩnh này đã thay đổi rất nhiều”.

Tôi đồng hành với Hằng từ những ngày đầu tiên nhập học. Ấn tượng đầu tiên là một cô bé rụt rè, lần đầu rời xa bản làng đến giảng đường. Hằng ít nói, ngại tiếp xúc nhưng chỉ sau một năm học, cô sinh viên bản lĩnh này đã thay đổi rất nhiều.

Đồng chí Lê Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Quảng Bình

Cao Thị Lệ Hằng giờ không hề ngại nói chuyện, kể về cuộc sống sinh viên không khác là mấy với những bạn bè đồng trang lứa: “Em sợ nhất là học tiếng Anh vì không được bắt đầu sớm như các bạn khác ở thành phố hay ở huyện. Nhưng dần dần sẽ cải thiện vì em sẽ đầu tư thời gian hơn”.

Trường đại học Quảng Bình vừa tổ chức ngày hội tân sinh viên, Hằng giờ đã trở thành “đàn chị”, tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng các em mới nhập trường. Không ai nghĩ, cô gái nhỏ bé, đang đứng trong đội ngũ sinh viên năng động đầy tự tin trên sân khấu, lại là một người Rục đầu tiên dám theo đuổi hành trình học tập trên giảng đường, nỗ lực tìm tương lai tốt hơn cho đồng bào, quê hương mình.

Trung tá Phạm Xuân Ninh là người đại diện Đồn Biên phòng Cà Xèng nhận đỡ đầu Hằng từ những ngày còn là học sinh. Kể về cô con gái nuôi, đồng chí Ninh chia sẻ: “Với Hằng là một cuộc hành trình vô cùng dài, thậm chí gian nan hơn cả giúp người Rục trồng lúa. Hằng học giỏi, chăm chỉ và vô cùng ý chí. Nhưng để có một quyết định dám ra ngoài học đại học thì chúng tôi đã phải thực hiện một loạt nhiệm vụ nhọc nhằn từ dân vận cho mẹ Pấy, đến truyền cảm hứng ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm từ lúc Hằng còn nhỏ”.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ là đồng chí Cao Xuân Long, cũng chính là anh trai ruột của Hằng, chia sẻ: “Mình cũng được Nhà nước tạo điều kiện cho ra thành phố học nội trú nhưng không học tiếp đại học mà chọn về nhà. Hồi đó chưa sáng ra, cho nên mình đã cùng bộ đội biên phòng truyền quyết tâm thay đổi nhận thức cho em gái”.

Đón nắng mới ở Mò O Ồ Ồ ảnh 1

Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng động viên con gái nuôi của đồn Cao Thị Lệ Hằng nhân dịp về thăm nhà.

Bà Hồ Thị Pấy suốt nhiều năm từ ngày chồng mất, chỉ mỗi suy nghĩ là làm thế nào nuôi sống 8 đứa con, chẳng bao giờ dám nghĩ lại có ngày cho con gái đi học đại học, vì không có tiền... Nhưng rồi cuộc sống khấm khá hơn, tư duy của người phụ nữ dần dần thay đổi. Từ lúc người Rục ở bản học đến lớp 9 là nghỉ, bà quyết tâm cho con trai là anh Cao Xuân Long học đến lớp 12. Thấy Hằng học được, bộ đội Ninh cũng vận động, bà dù lo lắng nhưng cũng quyết tâm cho con gái đi học đại học.

Cao Thị Lệ Hằng kể: “Biết mẹ không có tiền, khi nhận giấy báo trúng tuyển, việc đầu tiên là em đi xin làm thuê theo giờ để có đủ tiền nhập học, mẹ đỡ phải lo lắng”. Trung tá Ninh cho biết: “Thấy Hằng quyết tâm đi học, tôi hứa với bà Pấy là sẽ bằng mọi cách đi nhờ, thậm chí đi xin các cấp, ngành hỗ trợ chi phí. Và không ngờ rằng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ”.

Cao Thị Lệ Hằng được nhiều nhà hảo tâm trên khắp cả nước hỗ trợ tiền, Trường đại học Quảng Bình giúp em có chỗ ở ký túc xá miễn phí, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình hỗ trợ Hằng 3 triệu đồng/tháng trong thời gian học... Đồng chí Lê Thị Thu Hiền kể: “Hằng cũng rất đáng quý khi biết chia sẻ sự hỗ trợ cùng các bạn dân tộc thiểu số khác ở trường, truyền lửa giúp bạn bè mạnh mẽ hơn trong chặng đường học tập gian nan phía trước”.

Với sự “mở đường” của Cao Thị Lệ Hằng, người trẻ ở bản Mò O Ồ Ồ đã bắt đầu chọn con đường học tập để mở lối tương lai cho bản làng. Hiện người Rục nơi đây đã có những bạn trẻ đi học nghiệp vụ biên phòng, em gái Hằng cũng đang nỗ lực ôn thi đại học... Hằng thì vẫn dùi mài học tập, quyết tâm trở thành cô giáo giỏi về giảng dạy ở quê hương.

Trung tá Phạm Xuân Ninh, Thiếu tá Đinh Lâm Viên đang cùng các đồng đội khác miệt mài với Bí thư Chi bộ Cao Xuân Long và người dân bản thử nghiệm xây dựng vùng nguyên liệu cây gai xanh, rất phù hợp thổ nhưỡng ở Cà Xèng, để có thêm hướng đi bền vững cho nghề nông nơi đây. Nhận thấy tiềm năng lớn, đã có một tập đoàn nhận bao tiêu sản phẩm nếu hình thành được vùng nguyên liệu hiệu quả...

Cứ vậy, người Rục ở Mò O Ồ Ồ lặng lẽ tiến bước trên chặng đường song hành phát triển cùng các dân tộc anh em trên cả nước, nỗ lực cải thiện cuộc sống mới, vững vàng nơi biên cương gian khó của Tổ quốc.