Tên gọi khác: Người Mã Liêng, A Rem, Tu Vang, Pa Leng, Xơ Lang, Tơ Hung, Chà Củi, Tắc Củi, U Mo, Xá Lá Vàng, Rục, Sách, Mày, Mã Liềng...
Ngôn ngữ: Tiếng Rục, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường trong ngữ hệ Nam Á.
Cư trú: Dân tộc Chứt bao gồm các nhóm: Sách, Rục, Arem, Mày, Mã Liềng; cư trú chủ yếu ở các huyện miền núi như Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình và 1 nhóm Mã Liềng cư trú ở 2 xã Hương Liên, Hương Vĩnh thuộc huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là địa bàn núi rừng hiểm trở, đồi dốc và thường xuyên bị chia cắt bởi hệ thống sông suối dày đặc.
Lịch sử: Quê hương xưa của người Chứt thuộc địa bàn cư trú của người Việt ở 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vì nạn giặc giã, thuế khóa nặng nề nên họ phải chạy lên nương náu ở vùng núi, một số dần dần chuyển sâu vào vùng phía tây thuộc 2 huyện Minh Hóa và Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Theo gia phả của một số dòng họ người Việt trong vùng thì các nhóm Rục, Sách cư trú tại vùng núi này ít nhất đã được trên 500 năm nay.