Đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký ban hành Công văn số 2243/BHXH-TST về việc tăng cường đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội

Văn bản nêu rõ, thời gian qua, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc đôn đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn khá cao.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là do một số địa phương chưa tích cực trong việc triển khai các giải pháp đôn đốc thu hằng tháng, nhất là việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị còn chưa nghiêm…

Để khắc phục tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm một số nội dung sau:

Thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Chủ động tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, tăng cường công tác đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng của tổ thu nợ liên ngành; thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai danh tính các đơn vị chậm đóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện việc chuyển tiền đóng bảo hiểm y tế kịp thời cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định.

Phân công lãnh đạo, cán bộ thường xuyên bám sát, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, chú trọng đơn vị có sử dụng nhiều lao động, số tiền thu lớn. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị chậm đóng lớn (trọng điểm) chiếm 80% số tiền chậm đóng của địa bàn quản lý, hoàn thành trước 30/8/2022. Có giải pháp quyết liệt, kịp thời để đôn đốc thu tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không để phát sinh chậm đóng sau thanh tra, kiểm tra hoặc chậm đóng với số tiền lớn, thời gian kéo dài.

Tăng cường, linh hoạt trong triển khai thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên theo quy định. Giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng nghiệp vụ liên quan trong việc xây dựng kế hoạch và tiến hành triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được phát hiện thông qua thanh tra đột xuất. Đặc biệt, đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, để làm cơ sở xem xét, lập hồ sơ gửi cơ quan điều tra để kiến nghị khởi tố đối với những hành vi có dấu hiệu vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại một số địa phương

- Hà Nội: Tạm tính đến ngày 31/7/2022, số nợ tạm tính là 5.766 tỷ đồng.

- Thành phố Hồ Chí Minh: Đến cuối tháng 7/2022, số nợ là 5.347 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,1%.

- Bình Dương: Đến cuối tháng 6/2022, tổng số nợ của các doanh nghiệp là hơn 1.000 tỷ đồng.

Đối với đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện hoặc cố tình chây ì không thực hiện, thì ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được quy định tại khoản 44 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với các đơn vị đã hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không thực hiện thì tiếp tục đôn đốc khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 36 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, lập danh sách báo cáo UBND tỉnh và công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời để được hướng dẫn.

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm nay, tổng số nợ các loại bảo hiểm trong cả nước đã lên tới hơn 24 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 5% số phải thu, tăng gần 4,6% so cùng kỳ năm 2021.

Tình trạng các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp để nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Điều này cũng có tác động tiêu cực với người lao động có nhu cầu hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp hay khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...