Đổi mới tư duy đào tạo nhân lực cho công nghiệp văn hóa

NDO - Nguồn nhân lực là một trong những "tài nguyên" đặc biệt quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo. Tháo gỡ những vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực văn hóa là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ học làm phim tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD.
Các bạn trẻ học làm phim tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD.

Thiếu các cơ sở đào tạo chuyên ngành

Thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, công nghiệp văn hóa đã đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Để phát triển công nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực là một trong những "tài nguyên" đặc biệt quan trọng. Điều này cũng đã được đề cập, nhấn mạnh và quan tâm từ khi bắt đầu triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực tế, lực lượng tham gia vào quá trình sáng tác văn hóa, nghệ thuật đã có sự tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, giàu bản sắc. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu cũng như những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đặc biệt, số lượng nhân lực văn hóa chất lượng cao còn đang ở mức khiêm tốn.

Hiện, có 3 nhóm nhân lực công nghiệp văn hóa: Nhân lực quản lý, nhân lực sáng tạo và nhân lực sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, nhân lực quản lý là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý công chức, viên chức ngành văn hóa và các ngành liên quan; giúp tham mưu, tư vấn, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cho Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương; xây dựng, ban hành và thực thi hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách.

Nguồn nhân lực sáng tạo là đội ngũ nòng cốt của các ngành công nghiệp văn hóa, có thành phần phong phú, đa dạng từ nhiều ngành nghề khác nhau.

Nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh chủ yếu là doanh nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty.

Đổi mới tư duy đào tạo nhân lực cho công nghiệp văn hóa ảnh 2

Lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu trầm trọng các cơ sở chuyên nghiệp đào tạo bài bản cho ba nhóm nhân lực này.

Cụ thể, cả nước hiện có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (25 cơ sở đào tạo do địa phương quản lý), 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập, tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2030 đạt 220 nghìn nhân lực trực tiếp và gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao. Việc thiếu các cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa cho thấy phần nào sự bất cập và thiếu nhạy bén bởi nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa là rất lớn.

Chưa kể, Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15-64 tuổi) rất cao, dao động khoảng 70%. Với đặc thù trẻ tuổi, nguồn nhân lực này có khả năng sáng tạo, thích ứng và nhanh nhạy trong việc chuyển giao khoa học công nghệ.

Đổi mới tư duy đào tạo

Trong các nhóm giải pháp, đẩy mạnh nguồn nhân lực đang là đòi hỏi cấp thiết, bởi công nghiệp sáng tạo đòi hỏi những con người sáng tạo, am hiểu về quy trình của một ngành công nghiệp.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng chỉ rõ nhu cầu: “đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa”, hướng tới “đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa”.

Như vậy, các cơ sở đào tạo đang đứng trước nhiệm vụ cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần gỡ "nút thắt" đào tạo bằng cách thay đổi tư duy, đổi mới toàn diện từ triết lý đào tạo đến thiết kế chương trình, phương thức và mô hình đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa cần được định hướng theo thị trường lao động, gắn với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế, xã hội, ngành nghề và hướng tới hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời, đào tạo phải bám sát nhu cầu thực tiễn sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm, sản phẩm đào tạo được chấp nhận bởi các nhà tuyển dụng...

Đổi mới tư duy đào tạo nhân lực cho công nghiệp văn hóa ảnh 3

Các khóa học ngắn hạn giúp học viên trau dồi kỹ năng chuyên môn. (Ảnh: Một buổi học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD)

Thực tế là trong khi công nghiệp văn hóa đang có khoảng trống đào tạo ở các trường văn hóa nghệ thuật, khối tư nhân lại khá năng động khi xuất hiện các trung tâm đào tạo lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa, thu hút nguồn nhân lực trẻ tham gia. Vì thế, cần tăng cường sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật để thúc đẩy một số ngành chọn lọc, tăng số lượng nhân lực có chất lượng.

Việc gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp là phương thức hiệu quả để rút ngắn khoảng cách từ cơ sở đào tạo đến thị trường lao động, đảm bảo sự tương thích về tầm nhìn giữa nhà cung cấp và nhà tuyển dụng nhân lực. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp cũng sẽ mở ra cho sinh viên cơ hội tiếp cận thực tiễn sinh động của ngành nghề, tăng cường trải nghiệm thực tế, trau dồi kỹ năng chuyên môn bên cạnh những kiến thức mang tính học thuật ở nhà trường; đồng thời, cơ sở đào tạo trong nước linh hoạt, chủ động đẩy mạnh liên kết với các trung tâm đào tạo tại nước ngoài, tạo cơ hội cho các học viên cọ sát, nắm vững quy trình chuẩn của công nghiệp văn hóa cũng như kỹ năng phát triển bản thân.

Nhìn ra thế giới, xu hướng trong đào tạo các lĩnh vực công nghiệp văn hóa là cần có sự chuyên môn hóa cao. Kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển hàng đầu về công nghiệp văn hóa, đào tạo theo triết lý chuyên môn hóa mới có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để công nghiệp văn hóa mang về siêu lợi nhuận. Do đó, một số ngành chuyên môn hóa cao mà trong nước chưa mở chuyên ngành đào tạo hoặc chất lượng chưa đáp ứng thì cần sớm có chính sách linh hoạt hỗ trợ tài năng sáng tạo, cử đi du học...

Một số kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam:

- Đóng góp GDP của các ngành công nghiệp văn hóa: 2,44% GDP (2010); 3,5% GDP (2015); 3,61% GDP (2018) (tương đương 8.081 tỷ USD)

- Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực văn hóa: 1.72% (2009); 3,45% (2015); 3,5% (2018); 5,0% (2019)

- Số lượng doanh nghiệp văn hóa năm 2019 là 97.167 doanh nghiệp

- Không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập: 40 không gian (2017); 195 không gian (2021)

- Xuất khẩu sản phẩm văn hóa: 2019: 2.494.075.077,00 (USD)

- Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa sáng tạo thường niên 2003-2015: 17,9%

- Giá trị xuất khẩu hàng hóa sáng tạo Việt Nam: 2015: 837.014,65 triệu USD

(Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê; Báo cáo định kỳ 2016-2019 Công ước UNESCO; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)