Công nghiệp văn hóa:
Xây đường băng
để cất cánh

Được coi là con gà đẻ trứng vàng của nhiều nền kinh tế, công nghiệp văn hóa vừa đem tới lợi ích kinh tế to lớn, vừa có sức mạnh quảng bá hình ảnh, định vị thương hiệu quốc gia rất hữu ích. Ở Việt Nam, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1755 Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các ngành công nghiệp văn hóa, theo Quyết định của Chính phủ, bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; nghệ thuật biểu diễn; thời trang; nhiếp ảnh, mỹ thuật và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Đã nhận thức được giá trị, tầm quan trọng, nhưng thực tế ở Việt Nam chưa hề định hình một nền công nghiệp văn hóa, dù nền tảng, tài nguyên cho phát triển là vô cùng phong phú. Thiếu vắng một nền công nghiệp văn hóa không chỉ thiệt thòi về lợi ích kinh tế, mà còn đối diện nguy cơ bị xâm lấn về văn hóa, mai một các giá trị văn hóa, mất bản sắc văn hóa ngay trên đất nước của mình. Để công nghiệp văn hóa hình thành, phát triển và cất cánh, phải thiết kế xây dựng đường băng lớn, bằng cơ chế chính sách, bằng hệ thống luật pháp, bằng sự đầu tư từ các nguồn lực của xã hội, sự hợp tác quốc tế và cả sự ủng hộ lan tỏa của đông đảo công chúng..., Nhân Dân hằng tháng sẽ cùng đi tìm các câu trả lời trong Tiêu điểm: Công nghiệp văn hóa: Xây đường băng để cất cánh.

Tạo dựng sức mạnh “mềm”

2.135 tỷ đồng là tiền bán vé (thống kê chưa đầy đủ) của 8 bộ phim Việt Nam ăn khách nhất trong các năm từ 2017 tới nay. Em chưa 18 (2017), Mắt biếc (2019), Cua lại vợ bầu (2019), Hai Phượng (2019), Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (2023), Bố già (2021), Nhà bà Nữ (2023)... liên tục tạo nên những kỷ lục phòng vé, khiến doanh thu một bộ phim Việt đã lần đầu đạt tới con số 500 tỷ đồng (hàng chục triệu USD). Ngay cả thời điểm phát hành không thuận lợi, đúng vào giai đoạn đại dịch Covid-19 đang rình rập, bộ phim remake Tiệc trăng máu cũng thắng lớn khi thu về hơn 170 tỷ đồng (dù chi phí sản xuất chỉ bằng 1/10)...

Những con số bước đầu vượt mục tiêu đề ra

Điện ảnh, một trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa: (Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; nghệ thuật biểu diễn; thời trang; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa), theo Quyết định 1755 Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Chiến lược), luôn được trông đợi làm nên những thành tích, mang tới lợi ích kinh tế khả quan. Hơn cả kỳ vọng, ngay trong Chiến lược nói trên, Chính phủ cũng mới đặt mục tiêu: Đến năm 2020, ngành điện ảnh đạt doanh thu 150 triệu USD; nhưng trước dịch Covid-19, năm 2019, doanh thu chiếu phim trên cả nước đã cán mức hơn 4.000 tỷ đồng (chừng 160 triệu USD). Tiếc rằng miếng bánh phát hành phim ở Việt Nam hiện nay phần lớn nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu là Hàn Quốc: (CGV và Lotte Cinema). Hai doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam gồm Galaxy Cinema và BHD, cùng với Platinum (Indonesia) chỉ còn lại phần nhỏ.

Lĩnh vực quảng cáo (trên tất cả các nền tảng: báo chí, phát thanh, truyền hình, ngoài trời...) năm 2019 đạt 65 nghìn tỷ đồng (gần 3 tỷ USD) so với dự kiến 1.500 triệu USD mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đặt ra vào năm 2020. Với những thế mạnh thuộc dạng tài nguyên vượt trội như danh lam thắng cảnh, bãi biển dài và đẹp, đời sống văn hóa bản địa phong phú nhiều mầu sắc, ẩm thực đa dạng..., trong năm 2019 du lịch đã đem lại doanh thu 720 nghìn tỷ đồng... Mục tiêu của Chiến lược, doanh thu dự kiến các ngành công nghiệp văn hóa mang lại 3% GDP vào năm 2020; thì năm 2018, theo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, 3,61% GDP (tương ứng hơn 8 tỷ USD) là thành quả mà địa hạt mới mẻ này đóng góp cho nền kinh tế (trước đó, năm 2015 con số mới chỉ là 2,68% GDP). Các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa đã thu hút hơn 3 triệu nhân công (khoảng 6,1% tổng số người lao động đang làm việc).

Tại TP Hồ Chí Minh, đô thị vừa là không gian vừa là thị trường lớn nhất của công nghiệp văn hóa, 8 lĩnh vực được chọn đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại có: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố, 17,67 nghìn doanh nghiệp (chiếm 7,74% tổng số doanh nghiệp); đóng góp 3,9% vào GRDP của thành phố trong năm 2019 (cao hơn mức trung bình của cả nước). Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2020 các ngành công nghiệp văn hóa vẫn đạt 3,54 tổng GRDP tương ứng với hơn 36 nghìn tỷ đồng. Ông Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh, sự kiện Hò zô (HOZO) - Lễ hội âm nhạc quốc tế tổ chức lần đầu năm 2019, bị gián đoạn bởi dịch dã, tiếp tục lần thứ 2 vào tháng 10/2022 đã thành một thương hiệu lớn, thu hút sự tham gia của 100 nghìn người đến từ khắp nơi và 200 nghệ sĩ ở nhiều nước về tham dự, mang lại lợi ích kinh tế cũng như góp phần quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của thành phố ra thế giới. Thành phố đang nỗ lực xây dựng HOZO như một mô hình âm nhạc xứng đáng là biểu tượng mới của khát vọng Việt...

Cây vông cô đơn tại Thừa Thiên Huế đã thu hút nhiều du khách sau khi xuất hiện trong phim Mắt biếc.

Cây vông cô đơn tại Thừa Thiên Huế đã thu hút nhiều du khách sau khi xuất hiện trong phim Mắt biếc.

Sức mạnh "mềm" của văn hóa

Không ai còn nghi ngờ sức ảnh hưởng và sự tác động trên toàn cầu của các bộ phim Hollywood. Công nghiệp văn hóa không chỉ mang tới lợi nhuận, giá trị kinh tế mà đó cũng là công cụ trực quan sinh động tuyên truyền, quảng bá các di sản tinh thần, giá trị phi vật thể của quốc gia, dân tộc. Cộng đồng mạng, cả ở bình diện thế giới từng lan truyền câu chuyện, sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, vào năm 1945, 57% người Pháp đã đưa ra đáp án là Liên Xô, chỉ có 20% trả lời Mỹ cho câu hỏi: “Quốc gia nào có công lớn nhất trong cuộc chiến chống phát xít?”. Cũng câu hỏi tương tự như thế, 70 năm sau, năm 2015, đáp án đã khác xa nhiều: 54% trả lời là Mỹ trong khi câu trả lời Liên Xô là 23%. Các nhà phân tích cho rằng, đây một phần là hệ quả của các bộ phim bom tấn của Hollywood, những bộ phim về các siêu anh hùng người Mỹ chuyên giải cứu thế giới. Sự tác động của truyền thông, quyền lực mềm của điện ảnh không chỉ đem tới cho nền kinh tế Mỹ lợi ích khổng lồ, mà còn góp phần thay đổi nhận thức của rất nhiều người, trong một sự kiện tưởng đã minh định rõ ràng... Âm nhạc, phim ảnh, cả thời trang..., các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa đủ khả năng tạo dựng sức mạnh mềm, thúc đẩy sự ảnh hưởng của một nền văn hóa, một đất nước này lên một nền văn hóa khác, một đất nước khác, kéo theo sự lệ thuộc bắt buộc...

Từ một thí dụ cụ thể, và qua thực tế cuộc sống, có thể thấy phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ngoài mục tiêu thúc đẩy vào nhịp điệu tăng trưởng kinh tế chung, thì quan trọng hơn, sâu sắc hơn và chiến lược hơn, đó chính là thể hiện sức mạnh nội tại của dân tộc, giữ gìn bản sắc truyền thống, tự vệ trước sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai. Theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội: “Việt Nam có một nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng được hình thành qua nhiều thế kỷ. Điều này được thể hiện qua sự phong phú của nhiều ngành nghề thủ công, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghệ thuật, kiến trúc, lễ hội độc đáo của 54 dân tộc. Trong những năm gần đây, vốn di sản văn hóa phong phú và đặc sắc của Việt Nam bắt đầu được phục hồi và ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế. Việt Nam cũng có bề dày lịch sử với nhiều thích ứng và đổi mới; Có tài năng sáng tạo với dân số trẻ, tăng trưởng nhanh, có năng lực sáng tạo tốt và nhanh nhạy trong kết nối toàn cầu”. PGS,TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, thêm một thế mạnh nữa có thể làm động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa tạo đà và bứt phá chính là “Những cam kết có tính chiến lược từ Chính phủ” và do thế “việc thực hiện của chiến lược văn hóa được bắt đầu từ một nền tảng thật sự mạnh”, PGS,TS Bùi Hoài Sơn tin tưởng.

Hàng vạn khán giả đã phát sáng sân vận động Mỹ Đình trong đêm diễn của nhóm nhạc Black Pink.

Hàng vạn khán giả đã phát sáng sân vận động Mỹ Đình trong đêm diễn của nhóm nhạc Black Pink.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chính là cụ thể hóa đường lối của Đảng được định hướng tại Nghị quyết 33 (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, BCH Trung ương Đảng khóa XI ngày 9/6/2014 về Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước). Nghị quyết 33 đã chỉ rõ mục tiêu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa: Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.” PGS,TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Các đường lối của Đảng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như những chương trình của Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến công nghiệp văn hóa, kịp thời có những định hướng, chỉ đạo đúng đắn để lĩnh vực này phát triển một cách lành mạnh, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế”. Thúc đẩy sự phát triển của văn hóa cũng là một cách tự chủ, bảo vệ chủ quyền trong một thế giới ngày càng biến động và nhạy cảm hơn bao giờ hết.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Mi Sol-Huyền Nam-Thu Uyên-Khánh Lam
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Duy Thanh, nguồn internet