Bình Luận-Phê Phán

Phát triển công nghiệp văn hóa trước yêu cầu của thời đại

Phát triển công nghiệp văn hóa là một nội dung quan trọng, một nhiệm vụ cấp bách trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã ban hành ngày 12/11/2021.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo diễn ra ngày 21/12/2021 tại Hà Nội.
Hội thảo phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo diễn ra ngày 21/12/2021 tại Hà Nội.

Sau một thời gian thực hiện, chúng ta đã thu về những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận, nhưng về cơ bản thì con đường mang tên “công nghiệp văn hóa” vẫn còn không ít điểm nghẽn cần được tháo gỡ, trong đó vấn đề thay đổi nhận thức từ các cấp lãnh đạo, người sáng tạo đến người tiêu thụ, thưởng thức văn hóa có ý nghĩa then chốt.

Bài 2: Thay đổi nhận thức để phát triển

Quan sát lộ trình phát triển của các quốc gia trong thời kỳ hội nhập hiện nay, có thể thấy công nghiệp văn hóa luôn giữ một vị trí hàng đầu. Không nói đâu xa, một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã gợi ý cho chúng ta nhiều bài học quý về phát triển công nghiệp văn hóa trong tầm nhìn chiến lược quốc gia.

Các trào lưu điện ảnh, âm nhạc, truyện tranh,… xuất phát từ các quốc gia này đang có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống, tâm lý người nghe, người xem ở các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ngoài việc thu về những lợi ích kinh tế đáng kể, các sản phẩm văn hóa còn góp phần khuếch trương, quảng bá văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia.

Đến nay, nhiều quốc gia phát triển nhận thức rất rõ, các tài nguyên dưới lòng đất, dưới biển, trên rừng có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa (bao gồm các sáng tạo từ trí tuệ con người) sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, sử dụng, phát huy giá trị của nó. Dưới góc độ kinh tế, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa có thể làm giàu cho một đất nước không thua kém bất cứ một ngành công nghiệp nào. Không chỉ vậy, nó còn là nhân tố gắn kết con người, tăng cường hợp tác, trao đổi, là “vũ khí đặc biệt ” giúp bảo vệ bờ cõi văn hóa quốc gia.

Đảng và Nhà nước ta sớm nhìn ra tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa, gắn kết kinh tế với văn hóa, nhưng thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” thì mới chỉ xuất hiện trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 145).

Trước đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nhấn mạnh: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”. Theo đó, Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện nhằm thu hút cao nhất các nguồn lực trong xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác các yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, đồng thời gắn công nghiệp văn hóa với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa trong chiến lược chung về bảo vệ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Như vậy có thể nói, ở tầm vĩ mô, nhận thức của Đảng và Nhà nước ta đã có một sự thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực văn hóa nói chung và trong phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng, phù hợp xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trên cơ sở đó, hệ thống chính sách pháp luật liên quan cũng dần được kiện toàn, làm cơ sở cho công nghiệp văn hóa phát triển thuận lợi, bền vững. Dù vậy, một sự chuyển biến về nhận thức liên quan vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa trong toàn xã hội nói chung vẫn còn hạn chế. Đây là căn nguyên lý giải vì sao so với các mục tiêu khác của chiến lược phát triển văn hóa, mục tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa chưa đạt được những kết quả nổi bật trong những năm qua.

Đầu tiên cần phải nhấn mạnh về nhận thức của chính quyền các địa phương trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhìn nhận từ các di sản văn hóa, đối chiếu với quy định của Nhà nước về 12 lĩnh vực khác nhau trong công nghiệp văn hóa gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa có thể nói rằng, không một địa phương nào không có tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa.

Mỗi vùng miền, địa phương đều chứa đựng những giá trị độc đáo về văn hóa, làm cơ sở cho phát triển công nghiệp văn hóa. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được triển khai tốt ở một địa phương thời gian qua là nhờ vào sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền các cấp cơ sở.

Dù chính quyền địa phương không trực tiếp tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa nhưng có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường, liên kết và khơi thông các nguồn lực, ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và người dân thông qua các chính sách phù hợp. Ở một số địa phương, công nghiệp văn hóa đã đóng góp lớn vào ngân sách địa phương.

Cũng nhờ sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền, Hà Nội đang trở thành địa phương đi đầu, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa cho quá trình phát triển đô thị bền vững, trở thành thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành phố Hồ Chí Minh chọn tiêu điểm cho phát triển công nghiệp văn hóa là lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Trong khi đó, Đà Nẵng liên tiếp đưa ra các kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa thông qua các đề án về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ngoài một số điểm sáng nêu trên, chúng ta thấy rằng, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương còn chưa đồng đều. Một số địa phương vẫn chậm trễ trong triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, do nhận thức còn hạn chế nên thiếu sự đầu tư thỏa đáng, tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp văn hóa phát triển. Do đó, nhiều giá trị, di sản văn hóa độc đáo của địa phương vẫn đang nằm im, chờ được khai thác để tham gia vào thị trường, làm giàu cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần cho người dân.

Nhìn theo ngành dọc không khó để thấy những bất cập về nhận thức vẫn đang còn tồn tại. Các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật vẫn chưa thật sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường với tư cách là một sản phẩm hàng hóa. Các hội nghề nghiệp còn lúng túng trong công tác quản lý, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nghệ sĩ sáng tạo để đưa các sản phẩm công nghiệp văn hóa vào đời sống.

Yếu tố cần phải nhấn mạnh tiếp theo trong phát triển công nghiệp văn hóa, là nhận thức của các doanh nghiệp cũng như các văn nghệ sĩ - những người trực tiếp tạo ra sản phẩm văn hóa.

Họ chính là chủ thể của công nghiệp văn hóa, những người đóng vai trò nòng cốt sáng tạo văn hóa. Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng như các văn nghệ sĩ đang tích cực chuyển đổi nhận thức để làm văn hóa. Nếu như trước đây, một vở diễn sân khấu, một bộ phim, một cuốn sách, một album nhạc ra đời chỉ được xem đơn thuần là một tác phẩm văn học nghệ thuật thì nay, các nhà sáng tạo đã nhìn nhận rõ ràng, đó còn là một sản phẩm hàng hóa.

Nghĩa là phải tính toán đến yếu tố người mua, người sử dụng và tiêu thụ sản phẩm, làm thế nào để sản phẩm mình làm ra “sống được” trong thị trường vốn nhiều cạnh tranh. Yếu tố khách hàng (ở đây là công chúng, người thưởng thức văn hóa) được đặt lên hàng đầu, bởi chính họ là người đóng góp để “nuôi” người sáng tạo thông qua việc tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa. Dù vậy, đối với không ít doanh nghiệp và người sáng tạo, “công nghiệp văn hóa” vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, và chưa thật sự nhập cuộc bằng một sự thay đổi cần thiết trong nhận thức.

Một số doanh nghiệp còn ngần ngại trong đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, dù đã có những điều kiện thuận lợi cả về môi trường đầu tư và cơ chế chính sách hỗ trợ thông thoáng của địa phương. Tư duy cũ cho rằng văn hóa là lĩnh vực tiêu tiền, đầu tư nhiều mà lợi nhuận thu về ít vẫn còn tồn tại. Không ít nghệ sĩ tài năng trước nay vốn quen với quan niệm chỉ làm những gì mình thích mà ít để ý đến yếu tố công chúng, chưa bắt nhịp vào việc liên kết với doanh nghiệp, nhà phát hành để đưa sản phẩm của mình ra với thị trường...

Điều cuối cùng cần nhấn mạnh trong câu chuyện thay đổi nhận thức để phát triển công nghiệp văn hóa chính là ý thức của người dân-với vai trò đối tượng hưởng thụ văn hóa. Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, người dân có điều kiện để tiếp cận nhiều sản phẩm văn hóa đến từ các quốc gia nhưng cần lắm một tinh thần tự tôn văn hóa dân tộc, ủng hộ các sản phẩm văn hóa “nội địa” giống như phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Cố nhiên ai cũng hiểu, khi một sản phẩm văn hóa tham gia vào thị trường phải chấp nhận quy luật của thị trường, không thể trông vào sự “giải cứu” của công chúng, nhưng rất cần sự ủng hộ tích cực từ công chúng, trên tinh thần gạn đục khơi trong. Khi người dân với thái độ yêu mến, sẵn sàng khuếch trương các sản phẩm văn hóa, bảo vệ thị trường văn hóa trong nước để các nghệ sĩ và doanh nghiệp yên tâm sáng tạo và học hỏi, chắc chắn con đường phát triển công nghiệp văn hóa sẽ có nhiều thuận lợi.

Như vậy có thể nói, thay đổi nhận thức đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Bởi vì chỉ có thay đổi nhận thức mới dẫn đến thay đổi hành động, thay đổi thái độ ứng xử trong toàn xã hội đối với văn hóa. Muốn như vậy, bên cạnh các giải pháp về mặt cơ chế, chính sách pháp luật, tạo dựng môi trường thuận lợi, cần tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân từ các cấp quản lý đến các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và công chúng về vai trò của văn hóa trong giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân, cũng như đóng góp to lớn của văn hóa vào nền kinh tế đất nước ■

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 7/2/2023.