Đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền ứng phó biến đổi khí hậu

NDO - Sáng 7/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Tổng kết 10 năm công tác thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2013-2023.
0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo.
Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, triển khai thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và cộng đồng; hình thành ý thức trách nhiệm và kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; góp phần phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá kết quả đạt được trong 10 năm tổ chức thông tin, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 56- KL/TW.

Theo đó, ngành tuyên giáo đã quán triệt sâu sắc và tổ chức thông tin, tuyên truyền, triển khai quyết liệt, có nhiều đổi mới; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng với các hình thức, phương pháp thông tin, tuyên truyền đạt được những kết quả quan trọng, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần ổn định xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, việc phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở một số địa phương, đơn vị còn những hạn chế. Đó là hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền ở một số nơi còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện các hình thức tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có lúc chưa phong phú, đa dạng, nhất là việc tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở.

Các chuyên gia đề xuất, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, ngành tuyên giáo cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền dài hạn và hằng năm; kế hoạch tuyên truyền liên quan các vấn đề môi trường trước, trong và sau các dự án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội lớn của đất nước.

Mặt khác, ngành củng cố đội ngũ cán bộ tuyên truyền, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, giúp nâng cao bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài các kênh thông tin truyền thống, cần nghiên cứu xây dựng những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả cho từng đối tượng khác nhau; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, liên thông, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành các nhiệm vụ liên quan tới thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước đi trước đã thành công trong công tác bảo vệ môi trường; huy động các nguồn lực góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng tránh thiên tai.

Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ, gây ra nhiều ảnh hưởng, thiệt hại đối với sự phát triển của mọi quốc gia.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng chịu nhiều sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như các vấn đề nảy sinh từ quy mô dân số 100 triệu dân... khiến công tác bảo vệ môi trường ngày càng trở nên khẩn thiết và nhiều khó khăn.

Qua đó, ông Vũ Thanh Mai cho rằng, để thực hiện thành công những nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra thì một trong những giải pháp hàng đầu, quan trọng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đó là cần đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Việt Phong cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…