Chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển bền vững

NDO - Ngày 5/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Cơ quan Thường trực tại miền nam Tạp chí Cộng Sản, Đại học Tài chính-Marketing đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía nam”.
Quang cảnh hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía nam”.

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, so với cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam tuy chỉ chiếm 8% diện tích, 17% dân số nhưng nhiều năm nay sản xuất của vùng đạt hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 40%, tăng trưởng kinh tế bình quân gấp hơn 1,5 lần, thu ngân sách chiếm hơn 44% tổng thu ngân sách của cả nước, thu hút 56% số dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, hội tụ đủ điều kiện, lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vùng tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học; là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế…

Dù đã đạt được nhiều điểm nổi bật như trên, song về tổng thể sự phát triển của vùng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng. “Thách thức này ngày càng lớn hơn trong bối cảnh mới hiện nay khi đất nước bước vào chu kỳ phát triển mới, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng tạo ra những thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức mới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển bền vững ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phát biểu.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau song có thể điểm qua một số nguyên nhân như chưa phát huy, thực hiện tốt cơ chế phối hợp của vùng. Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía nam không có đủ thẩm quyền để bảo đảm chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong vùng phải chấp hành các quyết định của vùng.

Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển. Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng...

Từ thực tiễn trên, ông Bùi Duy Hoàng, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần xác định lại ngành công nghiệp mũi nhọn, sản phẩm mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của vùng để hình thành chuỗi liên kết sản phẩm tạo ra bước đột phá trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

“Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế dựa theo phân bổ nguồn lực của vùng (theo từng tỉnh), xây dựng các chỉ tiêu công nghiệp rõ ràng… tránh tình trạng xây dựng các chỉ tiêu công nghiệp rập khuôn tạo sức ép không cần thiết khi thực hiện phấn đấu các chỉ tiêu công nghiệp”, ông Bùi Duy Hoàng nói, và cho biết thêm, liên kết vùng để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có định hướng mới trong phân công và hợp tác giữa các địa phương.

Hội thảo tập trung thảo luận, phân tích các vấn đề về quan điểm, định hướng, chủ trương và thể chế phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Trong đó, nhấn mạnh đến quan điểm định hướng, chủ trương phát triển, nhất là về thể chế cho sự kết nối, liên kết và phát triển của từng địa phương và vùng.

Các nhà khoa học, chuyên môn… cũng tập trung thảo luận 3 vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đây là 3 trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của vùng. Các phân tích đã chỉ ra các kết quả đạt được, hạn chế, điểm nghẽn, nguyên nhân và đề xuất các kiến nghị, giải pháp cho các cơ quan Trung ương, địa phương để phát triển bền vững vùng trong thời gian tới.