Cùng người thân kết thúc hành trình bằng thuyền xuôi dòng sông Ngô Đồng, len lỏi qua những vách núi hàng triệu năm tuổi, tham quan hang Cả, hang Hai và hang Ba nằm trong danh thắng Tam Cốc, anh Nguyễn Minh Phúc, du khách đến từ phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) hồ hởi: Đây là lần thứ hai tôi tham quan Tam Cốc. Tôi rất ấn tượng khi nơi đây có nhiều đổi mới, từ cảnh quan đến cách làm du lịch. Dòng sông sạch hơn trước nhiều, không còn cảnh rác thải nổi lềnh bềnh; du khách cũng không còn phiền lòng bởi tình trạng xin tiền “bo”, hay chào mời mua hàng rong trên sông của người chèo đò.
Còn anh Rodrigo, du khách người Chile cho biết, đến thăm Tam Cốc, Ninh Bình là một trải nghiệm khó quên đối với anh. Vị du khách này ấn tượng trước hệ thống hang động núi đá vôi vô cùng phong phú và cảnh làng quê yên bình. Anh cho biết, sẽ dành thời gian để trải nghiệm cả nét văn hóa đặc sắc của miền quê này.
Môi trường trong lành và phong cảnh kỳ vĩ khiến nhiều du khách đã quay lại Tam Cốc-Bích Động trong những dịp nghỉ cuối tuần. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình) |
Tam Cốc-Bích Động là một trong những thắng cảnh của Ninh Bình sớm có hoạt động khai thác du lịch. Từ chỗ người dân tự phát làm du lịch bằng cách sử dụng những chiếc thuyền nan truyền thống, thường dùng trong sinh hoạt, lao động hằng ngày để đưa du khách tham quan, đến nay, hoạt động du lịch tại đây đã được tổ chức khá bài bản, chuyên nghiệp với sự chung tay của chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ninh Hải Chu Thị Hoài Thu cho biết, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, là niềm tự hào của người dân địa phương. Do đó, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ở khu vực này luôn được quan tâm.
Từ nhiều năm trước, tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch xây dựng Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Các ngành chức năng đã khảo sát, lắp đặt bổ sung một số biển chỉ dẫn, biển báo giao thông trên tuyến đường vào khu du lịch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà cho du khách.
Về phía doanh nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư thương mại và du lịch Tràng An (thuộc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường) đã tích cực đầu tư, tu bổ hạ tầng một số khu vực trong khu du lịch... Đáng chú ý, vừa qua, doanh nghiệp đã thực hiện việc ký hợp đồng giữa doanh nghiệp và người chèo đò tại khu du lịch, góp phần làm cho hoạt động du lịch tại đây ngày càng quy củ, nền nếp.
Khoác chiếc áo màu vàng-đồng phục của những người lái đò tại bến thuyền Tam Cốc, chuẩn bị cho chuyến đò tiếp theo trong ngày, bà Chu Thị Cư cho biết: Làm du lịch bây giờ cũng phải đổi mới, mặc đồng phục để du khách dễ dàng phân biệt người chèo đò cũng thể hiện sự chuyên nghiệp. Chúng tôi nâng cao ý thức, không thực hiện những hành vi phản cảm như xin tiền du khách hay ném rác thải, đồ ăn thừa du khách để lại trên thuyền xuống sông, mà phải thu dọn cho vào thùng rác đúng nơi quy định khi về bến.
Lao động được chuẩn hóa khiến hoạt động du lịch ở Tam Cốc-Bích Động thu hút được nhiều du khách hơn trong thời gian qua. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình) |
Trò chuyện với ông Chu Đức Kế, lái đò tại bến thuyền Tam Cốc, ông Kế vui vẻ cho biết, bản thân tôi cũng như hầu hết người dân đều mong muốn khu du lịch này phát triển hơn nữa, trở thành điểm du lịch nổi tiếng, bền vững. Hiện tại, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 chuyến đò phục vụ gần 1.000 du khách đến tham quan, đa số là khách nước ngoài. Tôi mong ngày càng có nhiều du khách đến đây để chúng tôi có việc làm, thu nhập đều đặn.
Hoạt động du lịch ở Tam Cốc phát triển đã đóng góp đáng kể để xã Ninh Hải là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí mới; du lịch cũng được chọn để xây dựng là tiêu chí mang tính chất nổi trội, mang bản sắc riêng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề có sự tham gia của cộng đồng dân cư đã được xây dựng và nhân rộng; hình thành đa dạng, phong phú các loại hình du lịch như du lịch tham quan phong cảnh tự nhiên, du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.
Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 150 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch cộng đồng (du lịch nghỉ dưỡng, resort, homestay); thu hút hàng nghìn lượt lao động trong xã và vùng lân cận.
Ngoài ra, còn hàng chục cửa hàng bán hàng đồ lưu niệm là sản phẩm thêu ren truyền thống, các sản phẩm thủ công đặc trưng được chính các nghệ nhân, người dân trong xã làm thủ công đã tạo thêm điểm nhấn phong phú cho sản phẩm du lịch. Cũng nhờ đó, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Ninh Hải đã đạt hơn 71 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1%.
Chị Trịnh Thị Hạnh, một người kinh doanh tại khu vực bến thuyền Tam Cốc cho biết, gia đình chị và nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn theo tại khu du lịch này nhiều năm nay kinh doanh khởi sắc, đời sống ngày được nâng lên. Chị hy vọng chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp tiếp tục cùng người dân nơi đây chung sức đồng lòng đưa du lịch phát triển lên tầm cao mới.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh chia sẻ, ở mỗi giai đoạn khác nhau, Ninh Bình đã có những chiến lược phát triển phù hợp điều kiện thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa nguồn lực và giá trị của du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát triển bền vững. Điều này được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy và Đề án tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
Do đó, muốn xây dựng Tam Cốc-Bích Động và các khu điểm tham quan khác ở Ninh Bình trở thành điểm sáng về văn hóa, văn minh du lịch, điểm đến hấp dẫn, bên cạnh di tích lịch sử văn hóa độc đáo, cảnh quan đẹp, thì tính chuyên nghiệp, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và đặc biệt việc tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của doanh nghiệp và người dân địa phương đóng vai trò rất quan trọng.
Thời gian qua, tỉnh luôn nỗ lực và quyết tâm xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực theo tinh thần của Đề án Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành tại Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 30/11/2021. Việc ban hành các chính sách, cơ chế đúng và trúng là yếu tố mang tính then chốt, tạo cơ sở pháp lý để Ninh Bình khuyến khích và huy động các nguồn lực tham gia phát triển du lịch.
Ấn tượng Tam Cốc mùa lúa chín. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình) |
Đồng thời, tỉnh cũng thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đặc biệt coi trọng sự đồng thuận và tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương, vì họ vừa là di sản sống, vừa trực tiếp bảo vệ, giữ gìn di sản và tài nguyên du lịch, ông Bùi Văn Mạnh nhấn mạnh.
Với những quyết tâm và cách làm cụ thể ấy, du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất.
Năm 2023, ngành Du lịch Ninh Bình dự kiến đón hơn 5,35 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 5.150 tỷ đồng. Đến năm 2025, ngành Du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch, Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn; phấn đấu đón 8 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động.