Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngành du lịch Ninh Bình đang phải đối mặt vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Do đó, bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa lao động ngành du lịch luôn được tỉnh Ninh Bình quan tâm và ưu tiên thực hiện. Hằng năm, hàng nghìn lao động địa phương được tham gia các lớp bồi dưỡng, các khóa đào tạo nghề nâng cao nghiệp vụ du lịch một cách bài bản và bền vững.
Từ nhu cầu thực tế
Những năm qua, số du khách đến với Ninh Bình ngày càng tăng, thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị kinh doanh du lịch, nhu cầu nhân lực phục vụ du lịch vì thế cũng tăng theo. Tuy nhiên, lực lượng lao động làm du lịch của Ninh Bình hiện nay đang còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp.
Các kỹ năng cần thiết cho công việc như: Ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, kinh nghiệm… còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, Ninh Bình đang rất thiếu lao động chất lượng cao, cán bộ quản lý từ trung đến cao cấp ở các khách sạn từ 3-5 sao. Trong khi đó, theo các chuyên gia, một nhà quản lý giỏi quyết định đến 50% sự thành công của một khách sạn.
Chị Bùi Thị Nhung, nhân viên Emeralda Resort Ninh Bình chia sẻ: "Qua mấy năm dịch Covid-19 vừa rồi thì tôi cũng như nhiều người nghỉ một thời gian. Sau đó trở lại môi trường làm việc, thấy khá nhiều mới mẻ và bỡ ngỡ do kiến thức bị sao nhãng. Do đó, các lớp tập huấn là rất cần thiết vì chúng tôi được học tập thêm, trao đổi và trau dồi kiến thức, kỹ năng làm việc".
Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Du lịch Ninh Bình) Quách Thế Hải cho biết, nguyên nhân của thực trạng này là do Ninh Bình chưa có hệ thống đào tạo riêng, chưa có cơ sở dạy nghề du lịch. Đại học Hoa Lư mới chỉ đào tạo một số ít chuyên ngành về du lịch. Sở phối hợp mở các lớp bồi dưỡng tại chỗ nhưng nguồn nhân lực đào tạo theo hình thức này hạn chế về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế. Việc thu hút lao động được đào tạo bài bản giàu kinh nghiệm về Ninh Bình thì lại khó do các đối tượng này yêu cầu cao về mức lương, môi trường làm việc cũng như các điều kiện để phát triển năng lực bản thân.
Tăng cường công tác đào tạo
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình đã phối hợp các cơ sở đào tạo lớn và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về du lịch cho lực lượng lao động du lịch. Giai đoạn 2015-2022, đã tổ chức hơn 100 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 7.200 lượt học viên về nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản lý cơ sở lưu trú du lịch, quản lý homestay, bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, bàn, bar, lễ tân cho các cán bộ, công chức quản lý du lịch, người lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch.
Tiến sĩ Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Định kỳ hai năm một lần Sở Du lịch tổ chức điều tra, khảo sát, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động hiện đang làm việc trong ngành du lịch để đưa ra kế hoạch đào tạo cụ thể, cơ chế đào tạo phù hợp tại từng cấp trình độ chuyên ngành.
Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn bị những phương án/kịch bản ứng phó các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai, dịch bệnh… cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đội ngũ quản lý, nhân viên các doanh nghiệp du lịch lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tàu, thuyền du lịch, hướng dẫn viên... Định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch tỉnh Ninh Bình, nhất là đối với phát triển du lịch cộng đồng.
Việc triển khai hiệu quả các chương trình đã nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng, lồng ghép vào các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề hằng năm để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội.
Xác định con người là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động cụ thể. Trong đó có thể kể đến Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045... Việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn lực lao động trong du lịch là một trong những nhân tố quan trọng để tỉnh Ninh Bình phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, tổng số lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có xu hướng tăng: năm 2010, tổng số lao động là 8.550 lao động cả trực tiếp và gián tiếp, đến năm 2019, con số này tăng lên 21.500 người, năm 2020 do dịch bệnh, số lao động làm du lịch giảm mạnh, chuyển đổi công việc. Tuy nhiên khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì số lao động du lịch tăng nhanh trở lại, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 8 năm qua là 6,67%/năm.