Đến thời điểm này, đã có nhiều cuộc họp diễn ra giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp với người lao động chèo đò, để tuyên truyền, giải thích, lấy ý kiến về những quy định bắt buộc trong sử dụng lao động, các điều khoản trong hợp đồng lao động giữa đơn vị quản lý, khai thác khu du lịch và người chèo đò, thu được những kết quả tích cực.
Từ những vướng mắc ban đầu
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ký hợp đồng lao động là cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là người chèo đò phải bảo đảm sức khỏe để phục vụ du khách được an toàn và cũng là an toàn cho chính mình.
Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận lao động cho rằng, việc ký hợp đồng lao động sẽ bất lợi cho họ, vì trong hợp đồng sẽ có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm người lao động.
Ông Đỗ Văn Hội, 65 tuổi, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải cho biết, trời phú cho quê hương chúng tôi cảnh quan đẹp để làm du lịch, chúng tôi muốn làm ăn bình thường, sao lại phải ký hợp đồng lao động cho thêm rắc rối.
Ông Đinh Văn Độc (72 tuổi), thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải,cho rằng, những người chèo đò hầu hết là hơn 60 tuổi, thậm chí 70, 80 tuổi, lúc nào khỏe thì đi, mệt ốm thì nghỉ, cho nên chưa muốn ký hợp đồng lao động.
Hầu hết lao động chèo thuyền tại tuyến Đình Các - Tam Cốc là người cao tuổi tại địa phương. (Ảnh: Xuân Trường) |
Đại diện doanh nghiệp Xuân Trường cho biết, những băn khoăn của người dân liên quan đến việc ký kết hợp đồng, cụ thể là các điều khoản trong hợp đồng đã được đơn vị điều chỉnh, như việc chi trả lương sẽ chia làm nhiều lần trong tháng.
Về độ tuổi lao động, đơn vị sẽ căn cứ theo các quy định pháp lý hiện hành để thuận lợi nhất cho người dân tham gia, miễn sao người lao động phải bảo đảm sức khỏe theo quy định, nhằm bảo đảm an toàn lao động cho người chèo đò và cho du khách trong nước và quốc tế.
Việc đơn vị tha thiết muốn người dân hiểu và ký hợp đồng là phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật, vì lợi ích của người lao động và là quy định bắt buộc của doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động.
Những “nút thắt” dần được tháo gỡ
Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư Tạ Đức Nhàn cho biết, một trong những lý do mà người dân không muốn ký hợp đồng lao động liên quan đến việc số đò được cấp và người chèo thực.
Số đò cấp theo hương ước của thôn đã tồn tại từ khá lâu, nên việc mua đi bán lại rất nhiều. Có nhiều người cao tuổi, không có việc làm, có người chở 5 đến 6 đò cho các chủ đò, vậy khi ký hợp đồng sẽ xảy ra tình huống doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với ai, ký với chủ đò hay người chèo đò.
Qua nhiều lần xin ý kiến của người lao động chèo đò, đến nay hợp đồng lao động đã được đơn vị quản lý, khai thác chỉnh sửa gọn lại và dễ hiểu hơn.
Các điều khoản trước đây nhiều lao động thắc mắc, thậm chí không đồng tình, nay cơ bản đã được tháo gỡ, như việc chi trả lương hằng tháng sẽ được diễn ra nhiều lần, thay vì một lần, độ tuổi lao động cũng được nới rộng nhưng phải bảo đảm sức khỏe theo quy định - ông Tạ Đức Nhàn nhấn mạnh thêm.
Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình) |
Ngày 26/7, doanh nghiệp đã phối hợp chính quyền xã Ninh Hải, Hiệp hội du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình và hàng trăm người lao động đã tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung hợp đồng, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, những băn khoăn về pháp lý của người lao động.
Được biết cho đến nay đã có gần 50 lao động đã đồng thuận và đồng ý ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt người lao động được hưởng các quyền lợi như được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định.
Các chế độ phúc lợi khác như tham quan, nghỉ mát, chế độ ngày lễ, ngày tết cũng được đưa vào trong hợp đồng.
Chính quyền địa phương đã yêu cầu phía doanh nghiệp lắng nghe ý kiến của người dân, những ý kiến phù hợp, chính đáng thì phải giải quyết cho người lao động, những nội dung nào người dân chưa hiểu thì phải kiên trì tuyên truyền, giải thích. Đồng thời, hợp đồng phải ngắn gọn để người dân dễ hiểu.
Về phía người lao động cũng nên đồng hành cùng doanh nghiệp. Việc ký hợp đồng lao động là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo yêu cầu của pháp luật.
Người dân nên thay đổi tư duy, không nên cho rằng Tam Cốc-Bích Động là tài sản riêng của thôn, của xã, mà đó là tài sản toàn xã hội. Vì thế mọi hoạt động phải tuân theo quy định chung của pháp luật. Chính quyền thống nhất quan điểm, khi nào tính pháp lý giữa doanh nghiệp và người lao động được bảo đảm thì mới mở cửa trở lại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư (Ninh Bình) Nguyễn Quốc Hưng
Lao động chèo thuyền phục vụ du khách cần bảo đảm sức khỏe để an toàn cho bản thân và du khách tham quan. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình) |
Như vậy, với những ý kiến tích cực giữa các bên, hy vọng tuyến du lịch quan trọng Đình Các-Tam Cốc (thuộc khu du lịch Tam Cốc-Bích Động) sẽ sớm hoạt động trở lại, để phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Doanh nghiệp sử dụng lao động cũng như người lao động sẽ được bảo đảm các quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong hoạt động du lịch tại tuyến Đình Các-Tam Cốc nói riêng và khu du lịch Tam Cốc-Bích Động nói chung.