Đọc sách “Ngõ phố Hà Nội - những khám phá”

Đọc sách “Ngõ phố Hà Nội - những khám phá”

NDO - Là một Tiến sĩ Tâm lý học của Nhật Bản, nhưng khi xuất bản cuốn sách “Ngõ phố Hà Nội – những khám phá” (NXB Hội Nhà văn) lần đầu tiên năm 2003, Giáo sư Ito Tetsuji (sinh năm 1964) khi đó vẫn xem đây là một sự mạo hiểm. Vì rằng, tác giả lo ngại quãng thời gian ở Hà Nội (1998-1999) là không đủ để hiểu về Việt Nam, về Hà Nội. Song có lẽ bằng trực cảm mạnh mẽ của mình và nền tảng sẵn có của một nhà nghiên cứu, người Nhật Bản yêu Việt Nam ấy vẫn quyết định công bố công trình của mình.

Nhân dịp GS Ito Tetsuji vừa có chuyến trở lại Hà Nội trong vai trò giảng viên về biến đối khí hậu của Trường đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc tác phẩm này của ông với tinh thần như ông bày tỏ.

Rằng: “Tôi muốn miêu tả về những sinh hoạt rất đỗi bình thường của những người sống ở ngõ phố Hà Nội bằng cách cảm nhận riêng của mình…, rất có thể nhiều người Việt Nam cho đó là những điều đương nhiên, không đáng nói hoặc không đồng tình với những cảm nhận của tôi. Nhưng thiết nghĩ văn hoá vốn là một vấn đề trừu tượng cũng giống như không khí, chưa hẳn đã gây được sự chú ý của nhiều người hay nói cách khác không phải ai cũng cảm nhận được…

Đọc sách “Ngõ phố Hà Nội - những khám phá” ảnh 1

Và tôi sẽ rất vui nếu qua cuốn sách nhỏ này, người Việt Nam ít nhiều hiểu được người nước ngoài như tôi nghĩ gì và cảm nhận về Việt Nam như thế nào, đồng thời sẽ có dịp hiểu hơn chính bản thân mình.”

Cuốn sách có 7 phần, kể lại quá trình sống và hiểu ngõ phố Hà Nội của Ito và gia đình anh, như: Phần mở đầu: Quang cảnh ngõ phố, phần II: Hà Nội – thủ đô của Việt Nam, phần III, phần IV là nghiên cứu thực tế, phần V: Người Hà Nội - Sự hấp dẫn kỳ lạ, phần VI: Thăm lại Hà Nội và phần VII: Lời kết.

Hà Nội qua con mắt một nhà nghiên cứu Nhật Bản

Cuộc sống sinh hoạt thường nhật trong ngõ phố nơi đây và mối quan hệ giữa con người với con người trong thế giới đó đã hút hồn tôi” – Ito Tetsuji đã viết như vậy để lý giải việc ông lựa chọn hướng nghiên cứu này.

Có lẽ đấy là sức cuốn hút tự thân của nền văn hóa này đối với một nền văn hoá khác hay nói cách khác là vẻ đẹp tự nhiên của sự đa dạng văn hóa vốn rất dễ hấp dẫn các nhà nghiên cứu.

Đọc sách “Ngõ phố Hà Nội - những khám phá” ảnh 2

“Ngõ phố Hà Nội - những khám phá” kể những câu chuyện rất đỗi bình thường của một gia đình Hà Nội bán tạp hoá trong ngõ, vốn là người giúp việc cho gia đình tác giả khi đó. Rồi chuyện chợ cóc, chuyện bán hàng rong, chuyện quán ăn sáng, chuyện cãi nhau, giờ cao su…

Khác với nhiều gia đình nước ngoài với cuộc sống vật chất và tinh thần khá tách biệt với cộng đồng, Ito cùng vợ và con gái anh đã “thả mình vào trong cuộc sống đời thường nhưng rất sôi động của ngõ phố Hà Nội.” Anh quan sát, lắng nghe, tìm hiểu, hòa cùng nhịp điệu với người dân và ngõ phố để rồi nhận ra một đặc trưng của thành phố Thủ đô Việt Nam: “Sống trong những ngõ phố có sự tồn tại song song của cái cũ và cái mới đó mới chính là cuộc sống của người Hà Nội.”

Trong những diễn biến đời sống tưởng không có gì mới mẻ ấy, thi thoảng lại nhận rõ những chiêm nghiệm sâu lắng của một người nước ngoài với Hà Nội. Nó nổi lên trong những nhận định, góc nhìn so sánh thú vị: “Nhà và nhà cứ san sát nhau như cá hộp. Có lẽ vì vậy mà một khoảng hành lang trở thành tài sản chung của những người sống ở đó. Nếu ở Nhật Bản, người ta làm những việc hằng ngày như đánh răng, rửa mặt, nấu cơm, ăn cơm, nựng con, cho con bú ở trong nhà thì ở việt Nam, các việc đó lại được đưa ra ngoài ngõ phố.”

Chỉ ra những cấu tạo “xuề xoà” đan xen giữa không gian chung và không gian riêng của nhà ở Hà Nội, Ito Tetsuji cho rằng “quả thực là kiến trúc nhà ở và sinh hoạt trong ngõ phố thể hiện một phần đặc điểm mối quan hệ giữa con người với con người sống trong đó”.

Bên cạnh những mến thương dành cho những con người bình dị của Hà Nội, tác giả cũng thẳng thắn : “Từ “xin lỗi” có trong tiếng Việt xuất hiện ngay trong phần đầu sách dạy tiếng Việt nhưng trong cuộc sống hằng ngày tôi lại hầu như không nghe thấy từ đó. Cả từ “Cảm ơn” cũng giống như vậy.”

Hà Nội vốn quen thuộc, khi đó qua ngòi bút của Ito Tetsuji bỗng đầy mới lạ, mến thương và nhiều khi thấy giật mình…

Đọc sách “Ngõ phố Hà Nội - những khám phá” ảnh 3

“Văn hóa là một cái gì đó rất đỗi bình thường”

Văn hóa là một cái gì đó rất đỗi bình thường, tưởng chừng như là điều hiển nhiên, ngay cả sự vận động và biến đổi của nó cũng diễn ra một cách vô hình và không ồn ào, đến nỗi ta thường không để ý tới. Nhưng để đề cập tới mọt điều bình thường, có lẽ lại khó hơn cả” - nhận định này của tác giả được in ở bìa 4 cuốn sách.

Ito sống ở ngõ phố với người Hà Nội nhưng không phải sống một mình mà sống cùng gia đình nhỏ, nghĩa là đa chiều tương tác, không chỉ cảm nhận từ bản thân mà còn thông qua vợ, con gái.

Phía sau những rủ rỉ, chuyện trò tưởng dông dài ấy là một cảm nhận chung, nhất quán về một điều gọi là sức sống của Hà Nội qua những ngõ phố. Cái nhịp đập làm nên hơi thở Hà Nội, sức hấp dẫn của Hà Nội là từ những con người tình nghĩa, từ đời sống quen thuộc trong ngõ phố ấy. Những vấn đề dân sinh của Hà Nội cũng từ những ngõ phố ấy.

Cuộc sống trong các ngõ phố ở đây thật sôi động, phong phú và thật là hào phóng, nó hoàn toàn không bị khép kín như ở Nhật. Mọi người sinh ra cũng từ đây, lớn lên cũng từ đây-được ngõ phố nuôi dưỡng và sống trong sự bao dung, độ lượng như dòng sữa của người mẹ dành cho con. Tôi nghĩ nếu để họ xa rời ngõ phố họ sẽ mất đi cội nguồn cuộc sống và không biết sẽ đánh mất mình nơi phương trời nào? Không biết người Hà Nội có để ý đến những điều này không?”

Cuộc sống trong các ngõ phố ở đây thật sôi động, phong phú và thật là hào phóng, nó hoàn toàn không bị khép kín như ở Nhật. Mọi người sinh ra cũng từ đây, lớn lên cũng từ đây-được ngõ phố nuôi dưỡng và sống trong sự bao dung, độ lượng như dòng sữa của người mẹ dành cho con.

Giáo sư Ito Tetsuji

Phong cách viết giản dị, tưởng như không có gì là nghiên cứu, nhưng những phát hiện và nhận định không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ. Ngay cả đối với những điều không hay, nhà tâm lý học lại có những lý giải đầy sẻ chia với thành phố của chúng ta: “Cho dù có cãi nhau inh ỏi cả ngõ phố thì họ cũng không thấy xấu hổ gì cả. Nghĩ cho cùng thì, chính sự bộc lộ tình cảm như vậy sẽ làm người ta bớt căng thẳng thần kinh hơn…

Nhận định này, với người đọc ưa suy ngẫm có thể dẫn tới những so sánh, phân tích sâu xa, thú vị hơn về sự khác biệt trong ứng xử ở hai nền văn hóa.

Một người Nhật Bản đã sống với ngõ phố và trăn trở như vậy, còn chúng ta, những người sinh ra từ phố, lớn lên trong ngõ phố hoặc từ nơi xa đến nhập vào đời sống ngõ phố sẽ hiểu đời sống, văn hóa ngõ phố thế nào để từ đó ứng xử với không gian sinh dưỡng ấy một cách thấu hiểu, sẻ chia?

Cuốn sách “Ngõ phố Hà Nội – Những khám phá” hấp dẫn cũng bởi những phát hiện, chắt lọc của nhà nghiên cứu đã hoà vào câu chuyện dung dị mà ông kể.

back to top