Độc đáo nơi cực nam Tổ quốc

Thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Cà Mau có nhiều nét tương đồng về tự nhiên, lịch sử, dân cư, văn hóa… với các địa phương khác cùng khu vực. Nhưng Cà Mau có những lợi thế đặc thù để hầu hết du khách đến đây đều mong muốn có ngày quay trở lại với vùng đất nơi cực nam của Tổ quốc...
0:00 / 0:00
0:00
Ngư dân huyện Ngọc Hiển thu mẻ lưới sau cùng khi hoàng hôn buông xuống mặt biển tây nam.
Ngư dân huyện Ngọc Hiển thu mẻ lưới sau cùng khi hoàng hôn buông xuống mặt biển tây nam.

Mới qua tuần đầu của tháng 3 nhưng tổng lượng khách du lịch đến Cà Mau đã cán mốc hơn nửa triệu người, chiếm hơn 28,6% kế hoạch chung của năm 2023 và tăng đến hơn 116% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Cà Mau đón hơn 2.400 lượt khách quốc tế, bằng 62% dự tính năm 2023 và tăng hơn 1.800% so với cùng kỳ năm 2022. Những con số ấn tượng nêu trên đánh dấu sự khởi sắc trong năm mới đối với du lịch Cà Mau. Không phải ngẫu nhiên mà Cà Mau có sức hút mãnh liệt với du khách như vậy…

Tại Đất Mũi, nơi thi sĩ Xuân Diệu từng ví là “Đất nở ra, rừng biết đi và biển biết sinh sôi”..., du khách có thể ngắm được mặt trời nhô lên từ biển lúc bình minh và ngắm mặt trời lặn từ từ xuống biển lúc chiều tà. Vị trí “săn” hoàng hôn và bình minh ấy thuộc hàng hiếm trên dải đất hình chữ S.

Là nơi duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có ba mặt giáp biển với tổng chiều dài bờ biển hơn 250km, Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan rừng-biển tự nhiên gồm hai hệ sinh thái đặc thù: Vùng mặn và vùng ngọt nhiều tôm, cá, phong phú sản vật tự nhiên. Nguồn tài nguyên ấy còn góp phần hình thành nên các vườn chim tự nhiên, các điểm du lịch cộng đồng, nhất là Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ - nơi đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và là khu Ramsar của thế giới… Sản vật phong phú từ thiên nhiên góp phần định hình phong cách sống, khí chất hào sảng, tấm lòng mến khách… của người dân vùng tây nam Tổ quốc.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, một du khách từ Hà Nội từng nghỉ chân qua đêm khi về thăm bạn thân ở Đất Mũi, nói: “Dân xứ này không chi ly, tính toán, có con tôm, con cá, con cua, con vọp… ngon đều mang ra đãi khách, từ chối mấy lần chưa chắc đã về được với chủ nhà”.

Sức hấp dẫn của Cà Mau còn ở cái chất “đặc sệt” về văn hóa sông nước Nam Bộ. Được xem là cái nôi cách mạng trong kháng chiến, Cà Mau tự hào với nhiều chiến công vang dội được lưu truyền đến ngày nay. Đó là những công trình di tích lịch sử-văn hóa, công trình kiến trúc tâm linh…, khu tưởng niệm, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.

Đến vùng đất cực nam Việt Nam, du khách còn được trải nghiệm các lễ hội dân gian đặc sắc như lễ hội nghinh Ông, lễ tri ân Quốc Tổ, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương…; được hòa mình vào không gian thực tế của nhiều ngày hội, làng nghề truyền thống như ngày hội bánh dân gian, ngày hội cua Cà Mau, sự kiện “Hương rừng U Minh”, đi bộ xuyên rừng U Minh Hạ… để cùng tham gia, cùng ăn, cùng làm, cùng vui vầy với nếp sống mộc mạc, giản dị của người dân quê.

Sẽ thiếu sót lớn nếu du khách bỏ qua việc khám phá văn hóa ẩm thực tại Cà Mau. Ở đó, sự độc đáo, đa dạng từ đặc sản hệ sinh thái mặn-ngọt vùng đất cuối trời phương nam hòa quyện cùng giai điệu ngọt lịm của loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ, hay những câu chuyện hài hước của bác

Ba Phi… sẽ giúp du khách quên đi những tất bật, xô bồ trong cuộc sống nơi phố thị.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, ngoài các sản phẩm du lịch đặc thù là thế mạnh của địa phương, hai năm qua, Cà Mau đã triển khai thêm các điểm nhấn mới về chương trình sự kiện Cà Mau-Điểm đến năm 2021, 2022 và tới đây là của năm 2023.

“Nhờ xây dựng thêm các chuỗi sự kiện mới đã góp phần “hâm nóng” thị trường du lịch Cà Mau trong thời gian gần đây, giúp du khách đa dạng hơn sự lựa chọn cuối tuần khi đến Cà Mau quanh năm nhưng lúc nào cũng có sự kiện lớn diễn ra. Qua đó, góp phần kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch và giúp du khách có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Đó cũng là cơ hội để Cà Mau quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, sản vật địa phương… đến bạn bè trong và ngoài nước”, ông Trần Hiếu Hùng cho biết thêm.

Để ngành "công nghiệp không khói" thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, bên cạnh việc bám sát các quy hoạch tổng thể về du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cà Mau đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ phương châm “4C”: Con người - Chiến lược-Cơ sở hạ tầng-Chuỗi kết nối du lịch. Đó cũng chính là những điểm còn hạn chế mà Cà Mau cần thêm thời gian, nguồn lực tài chính để hoàn thiện.

Trong đó, về “Chuỗi kết nối du lịch”, Cà Mau thực hiện song hành chính sách cả nội tỉnh và bên ngoài. Theo đó, ngành du lịch phối hợp các huyện, thành phố trong tỉnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với xây dựng “mỗi xã một sản phẩm”. Cà Mau chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các tua, tuyến tham quan, trải nghiệm du lịch đặc thù của từng địa phương. Cùng với đó, tăng cường giao lưu, hợp tác, kết nối hội nhập phát triển kinh tế-du lịch với các nước Đông Nam Á…