Độc đáo nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng

NDO - Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ngay từ sáng sớm các đoàn rước kiệu của các xã, phường vùng ven thực hiện nghi lễ rước kiệu và dâng sản vật địa phương lên các Vua Hùng.
Ngay từ sáng sớm các đoàn rước kiệu của các xã, phường vùng ven thực hiện nghi lễ rước kiệu và dâng sản vật địa phương lên các Vua Hùng.

Đúng 7 giờ 30 phút ngày 15/4, Lễ rước kiệu từ các đình, đền của 7 xã, thị trấn vùng ven Khu di tích gồm: các xã Hùng Lô, Kim Đức, Hy Cương, Chu Hóa và phường Vân Phú (thành phố Việt Trì); xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) đã diễn ra tại Trung tâm hành lễ, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Đội hình rước kiệu được sắp xếp theo trình tự: Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, đội rước cờ thần nhỏ; các thiếu nữ đội lễ vật, hương hoa; đoàn người đánh chiêng, trống, đội bát âm và múa sinh tiền, rước bát bửu, rước tàn, lọng, đội kiệu, chủ tế và quan viên... Lễ vật gồm: hương, hoa, quả, bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương...

Độc đáo nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng ảnh 2

Đoàn kiệu của phường Vân Phú, thành phố Việt Trì.

Theo truyền thống, hằng năm cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, các làng, xã chung quanh khu vực di tích Đền Hùng, nơi có các di tích thờ Vua Hùng và vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương, cùng tổ chức các nghi lễ, trò diễn nhằm tái hiện lại các hình thức sinh hoạt văn hóa xưa của người Việt cổ.

Trong các nghi lễ ấy, rước kiệu về Đền Hùng dâng cúng lễ vật lên Tổ tiên là một nghi lễ dân gian truyền thống, mang tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn kính Tổ tiên.

Độc đáo nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng ảnh 3

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng đã trở thành nét đẹp truyền thống của nhân dân các xã, phường vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Đồng thời, nghi lễ tạo nên sự gắn kết giữa mọi thành viên cộng đồng, đại đoàn kết bền chặt, tạo ra sức mạnh tinh thần trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó nhằm tôn vinh giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.