Độc đáo lễ báo hiếu của người Jrai

Gia Lai là địa phương có đông người Jrai sinh sống. Người Jrai có nền văn hóa bản địa lâu đời và đậm đà bản sắc. Đời sống tinh thần của người Jrai rất phong phú với các lễ hội liên quan hoạt động sinh hoạt thường ngày, trồng trọt, sản xuất, như lễ tạ ơn cha mẹ, lễ hội cầu mưa, lễ ăn trâu… Trong đó, lễ báo hiếu (Pơ pủ kơ amí ama) là nét văn hóa độc đáo của tộc người này.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ báo hiếu của người Jrai tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.
Lễ báo hiếu của người Jrai tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Đây còn gọi là lễ tạ ơn, được tổ chức để người con cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Mỗi người con tổ chức lễ một lần trong đời, anh chị em lần lượt theo thứ tự, lớn trước, nhỏ sau.

Người Jrai quan niệm, lễ báo hiếu giúp tổ ấm gia đình thêm hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, làm ăn khấm khá; cha mẹ sống vui, sống khỏe, sống thọ cùng con cháu. Vì vậy, với người con trưởng thành thì việc quan trọng và trước hết là tiến hành lễ báo hiếu với cha mẹ, hoặc với người có công nuôi dưỡng.

Theo phong tục, người con làm lễ báo hiếu cha mẹ sau khi đã lập gia đình, vì lúc này đã tạo lập được kinh tế riêng. Quy mô tổ chức tùy thuộc vào kinh tế gia đình, làm nhỏ thì mổ heo, gà mời anh em họ hàng tới chung vui; lớn hơn thì giết trâu, bò mời cả làng. Lễ thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân, mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, đây cũng là mùa nông nhàn của người Jrai.

Trong lễ báo hiếu, sau lời cảm ơn, cầu xin các Yàng (thần linh) mang đến cho gia đình những điều may mắn, tốt đẹp, người con sẽ nói lời cảm ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với họ. Vợ chồng người tổ chức lễ báo hiếu cũng nhận được lời chúc tốt đẹp từ cha mẹ. Lễ vật không thể thiếu là con gà nướng và ghè rượu, được mang đến đặt trước mặt cha mẹ. Ngoài ra, còn có phẩm vật, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi nhà. Thông thường, phẩm vật là món mà cha mẹ thích, hay còn thiếu.

Khi làm lễ, người con đặt ghè rượu giữa nhà, cố định bằng cây tre cao, chọc thẳng lên trần nhà. Tiếp đó, gia đình người con sắp xếp các lễ vật, đồ ăn lên phía sát ghè rượu. Đến phần cúng, chủ lễ sẽ đặt chân cha mẹ lên hai miếng rìu sắt, dưới là mảnh bông. Kế tiếp, thầy cúng sẽ lấy tiết con heo, hoặc gà bôi lên ghè. Thầy cúng lấy một phần thịt đặt gần chân, rồi rót rượu cần từ từ vào chân người được cúng. Cuối cùng, thầy sẽ khấn thần linh ban phước lành, bình an, giàu sang cho người được thụ hưởng. Lễ báo hiếu tuy không tổ chức đánh chiêng, xoang, nhưng vẫn mời các thành viên họ hàng, thành viên cộng đồng làng tới dự. Các thành viên khi được mời dự lễ thường mang theo rượu, gà, gạo… góp vui với gia chủ. Khi về, còn được chia phần gồm miếng thịt heo sống, vài ống cơm lam dành cho người không đến dự lễ.

Người Jrai rất coi trọng lễ báo hiếu, những người chưa làm lễ này coi như đang còn một món nợ lớn với bậc sinh thành. Đây là nét đẹp truyền thống đáng gìn giữ. Tập tục này trước đây khá đơn giản, nhưng hiện nay, do có điều kiện kinh tế cho nên lễ báo hiếu được một số gia đình tổ chức với quy mô khá lớn mời hàng trăm người tới dự gây tốn kém, lãng phí, vì vậy mất đi một phần ý nghĩa nhân văn của lễ này.