Người Ba Na cho rằng, đây là phát hiện rất quan trọng, có ý nghĩa như sự trao ân ban phúc của thần linh cho cộng đồng. Hoạt động này do phụ nữ đảm trách, vì vậy mà việc chế biến thuốc nhuộm và kỹ thuật nhuộm vải là bí quyết của riêng phụ nữ. Họ có đủ sự kiên nhẫn, khéo léo để tạo ra các sắc mầu, hoa văn độc đáo cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Mầu sắc chủ đạo trên trang phục truyền thống người Ba Na là mầu đen, có trang trí họa tiết mầu. Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ba Na nhuộm sợi sau đó mới dệt. Kỹ thuật này được giới nghiên cứu nghề dệt thủ công đặt tên là ikat. Ðây là kỹ thuật nhuộm bao sợi. Khác batik là nhuộm bao vải; với ikat không phải dùng tấm vải mà là sợi được bao trước khi nhuộm. Người ta dùng xơ vỏ cây hoặc sợi ni-lông buộc bao chung quanh bó sợi ở những đoạn khác nhau rồi đem nhuộm. Các phần sợi được bao sẽ không bắt mầu. Quy trình bao - nhuộm lặp lại nhiều lần để tạo những sợi đa sắc. Sợi này được dùng làm sợi ngang hoặc sợi dọc để dệt nên tấm vải ikat. Hoa văn ikat có vẻ đẹp rất riêng nhờ các đường biên mờ. Chính vì vậy, mà sự thể hiện hoa văn trên khung dệt đòi hỏi người thợ phải có óc tưởng tượng và độ chính xác rất cao.
Ðể tạo mầu đen, người Ba Na sử dụng lá cây gơ gũl mọc trong rừng trộn với bùn dưới ruộng, ngâm khoảng một tuần sẽ có mầu đen tuyền, ngâm 1 ngày 1 đêm sẽ có mầu xám tro. Mầu đen được nhuộm bằng lá gơ gũl thường là mầu nền của mỗi tấm vải, biểu hiện cho đất đai, cho sự nảy mầm từ mặt đất, độ che phủ của cây rừng mà suốt cả cuộc đời con người phải gắn chặt với nó, kể cả khi trút hơi thở cuối cùng.
Ðể tạo mầu vàng nhạt, họ dùng củ kơ trong giã ra lấy nước để ngâm sợi, mầu vàng đậm được ngâm từ nước của củ nghệ giã nát. Mầu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên. Mầu đỏ cũng là một loại mầu bà con tự chế tác, họ lấy cây tơ ngo giã nát hòa với nước sẽ cho ra một mầu đỏ đậm. Ðây là mầu biểu hiện của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng. Với mầu trắng, đây là mầu mộc vốn có của sợi chỉ, không nhuộm bởi bất cứ mầu nào khác. Ngày nay, người Ba Na cũng sáng tạo ra nhiều hoa văn họa tiết mới với nhiều mầu sắc phong phú hơn, họ sử dụng thêm mầu xanh lá cây từ cây lá nếp, mầu tím từ cây lá cẩm, mầu cam từ cây cà ri. Trước khi nhuộm sợi, người dệt sẽ nấu một nồi nước sôi rồi bỏ hạt aren (hạt cây thầu dầu) và một nắm gạo nhỏ vào, sau đó bỏ sợi vào luộc kỹ; thường luộc khoảng một ngày một đêm cho đến khi sợi mềm mới đạt tiêu chuẩn. Sau đó họ vớt ra để nguội tự nhiên.
Công đoạn tiếp theo, người dệt lấy những vòng sợi trắng cho vào ngâm dung dịch mầu, thời gian ngâm tùy thuộc vào độ đậm hay nhạt của sợi đúng ý của người nhuộm. Khi đạt thời gian cần thiết, người nhuộm sẽ vớt ra và mang sợi đi giặt, nếu mầu chưa đạt họ sẽ nhuộm tiếp, còn nếu mầu đã đạt như ý muốn họ sẽ mang sợi lên phơi cho khô. Sau đó, đưa sợi trộn với bột của gạo nếp than hấp cho sợi cứng, không bị xù lông rồi vớt sợi ra phơi khô. Khi sợi đã khô, tiếp tục đưa sợi vào dụng cụ quấn sợi để quấn sợi lại thành những cuộn sợi tròn. Khi muốn dệt váy hay dệt khố, tấm choàng, chăn đắp, tấm địu... thì người phụ nữ chạn sợi lên khung giăng sợi và khung cửi để dệt.
Ngày nay, do sự tiện lợi của các sợi chỉ công nghiệp với nhiều mầu sắc, bà con không còn làm các mầu truyền thống như trước đây nữa, họ sử dụng các loại sợi chỉ đã có sẵn trên thị trường mua được ở chợ về để dệt. Tuy nhiên, những sản phẩm thủ công truyền thống của người Ba Na vẫn luôn được trân trọng, thường được sử dụng trong dịp Tết hay những ngày lễ quan trọng. Vì thế mà kỹ thuật nhuộm độc đáo của người Ba Na vẫn được bảo tồn và phát triển.