Mùa hội lớn “nhô lir bong”

Cuộc sống của người Cơ Ho Srê phía nam Tây Nguyên gắn liền với nghề trồng lúa nước, cho nên các dịp lễ, Tết của họ cũng theo quy luật mùa vụ. Khi mùa màng thu hoạch xong, lúa đã chuyển về kho, người Cơ Ho Srê tiến hành lễ hội lớn nhất trong năm “nhô lir (lềr) bong” (mừng lúa mới). Đây được xem là “Tết” truyền thống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người Cơ Ho Srê cùng vui ngày hội lớn của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên.
Người Cơ Ho Srê cùng vui ngày hội lớn của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên.

Theo tiếng Cơ Ho, “srê” là “ruộng”, người Cơ Ho Srê tự gọi mình là “cau Cơ Ho Srê” (người Cơ Ho làm ruộng nước), lúa nước đích thực là cây trồng quan trọng với đời sống của họ từ bao đời nay. Quá trình phát triển lúa nước của đồng bào Cơ Ho Srê có thể dựa theo sử thi và hàng trăm bài văn tế cúng Yàng Kòi (thần lúa) của các dân tộc nam Tây Nguyên.

Với quan niệm tín ngưỡng đa thần, người Cơ Ho xem vạn vật hữu linh. Sông, suối, nước, lửa, núi, rừng, chiêng, ché... đều có Yàng ngự trị.

Đặc biệt là Yàng Kòi, người Cơ Ho tương truyền rằng, xưa kia với phép lạ của mình, ma quỷ lần lượt thắng tất cả các vị thần linh khác, nhưng chỉ chịu khuất phục trước Yàng Kòi. Bởi ma quỷ không vào được tận bên trong hạt gạo như thần lúa.

Hạt lúa với người Cơ Ho Srê đóng vai trò rất quan trọng. Trong chu kỳ sản xuất, họ thường làm các nghi lễ liên quan đến vòng đời sinh trưởng của cây lúa. Độ tháng tư hoặc tháng năm, họ tổ chức lễ cầu mưa để gọi nguồn nước về cho cây cối, cày cấy thuận lợi; rồi nghi lễ gieo sạ, cầu cho hạt lúa nảy mầm chắc khỏe.

Đến khoảng tháng chín, tháng mười, khi cây lúa vào giai đoạn chuẩn bị trổ đòng, người Cơ Ho Srê tề tựu phía đầu làng, gần đồng ruộng để tổ chức lễ nhô wèr (cúng dưỡng lúa) và đến tháng ba năm sau, khi lúa thu hoạch xong thì lễ hội nhô brê rơhe (mang lúa về kho) bắt đầu.

Lễ hội quan trọng nhất trong năm là “nhô lir bong”, để tạ ơn Yàng Kòi và các thần linh đã ban cho họ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và hân hoan đón mừng năm mới, mùa vụ mới. Lễ hội “nhô lir bong” không ấn định ngày cụ thể, thông thường được cộng đồng tổ chức vào mùa xuân, khi thóc đã đóng cót trong kho.

Người Cơ Ho Srê uy tín ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, Nghệ nhân Ưu tú, già làng K’Tiếu cho biết, tùy theo mùa vụ mà người Cơ Ho Srê tổ chức “mừng lúa mới” theo hình thức khác nhau.

Nhưng phổ biến nhất vẫn là tổ chức theo dòng tộc, diễn ra trong phạm vi vựa thóc và nhà sàn dài. Thời gian chuẩn bị, gia chủ mời một số chàng trai, cô gái về giúp việc trong gia đình; sửa sang đường sá, giếng nước; cử người chăm sóc con trâu, làm cây nêu, mời bạn bè…

Ngày lễ đã đến, khi mặt trời dần khuất, con trâu được cột vào cây nêu. Họ tiếp đón bạn bè bằng những hồi chiêng, trống rầm rộ; mọi người được xếp theo thứ bậc. Tiếng cồng, tiếng chiêng và trống nổi lên, đến khi mọi người yên vị mới tạm ngưng.

Vào đầu giờ tiến hành khai lễ, chủ lễ và một số thành viên trong gia đình tụ họp bên vựa thóc để cùng thực hiện nghi lễ cúng Yàng. Sau nghi lễ, mọi người quần tụ trong nhà sàn dài để sẻ chia, chuyện trò và uống rượu cần, nhâm nhi sản vật núi rừng.

Tờ mờ sáng, nghi thức dâng vật hiến sinh (con trâu) cúng tế thần linh bắt đầu, sau đó được chế biến đãi khách. Những gia đình khá giả, thường tổ chức “nhô sa rơpu” (uống ăn trâu) với quy mô lớn hơn. Ngoài khách mời ở trong buôn còn có khách mời từ nơi khác đến.

Cùng với ý nghĩa là tạ ơn Yàng, mùa hội lớn “nhô lir bong” còn là nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Ho Srê ở nam Tây Nguyên. Trong xu thế hội nhập, ngày nay hệ thống lễ, Tết của một số dân tộc thiểu số trên miền đất đỏ bazan có sự đổi thay, họ đã đón Tết cổ truyền dân tộc để cùng hòa nhịp mùa xuân đất nước.