Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

Thời gian qua, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà nó giúp thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, sự xuất hiện của không gian số đã làm cho thói quen, hành vi người dùng hoàn toàn thay đổi. Do đó, chuyển đổi số là mục tiêu của mọi doanh nghiệp. Nhưng mỗi đơn vị cần có một mô hình chuyển đổi số riêng để phù hợp đặc điểm của mình.

Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình trên thế giới, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã xây dựng mô hình thích ứng nhanh, linh hoạt với thay đổi của môi trường và thị trường, mở rộng không gian tăng trưởng theo cấp số nhân, triển khai mô hình kinh doanh số, bán hàng đa kênh, đa nền tảng và trải nghiệm khách hàng. Công ty tạo nên nhiều sản phẩm, hệ thống, dịch vụ số, thông minh, đồng thời xây dựng dây chuyền sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh ngành năng lượng đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu phát triển bền vững, việc ứng dụng công nghệ để sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, chuyển giao và làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát huy nội lực, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao.

Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã phát triển theo hướng bền vững hơn, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế và tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Công nghiệp khai khoáng và phát triển năng lượng của tỉnh không chỉ bảo đảm nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh mà còn đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và duy trì đà tăng trưởng hai con số trong 7 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay.

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh  ảnh 1

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế và tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột trong nền kinh tế; phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường, tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia, chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới và nhiều doanh nghiệp mong muốn có cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh.

Theo ông, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một sự kết hợp tối ưu, vì thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Chuyển đổi xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần xóa đói, giảm nghèo tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các hoạt động của chuyển đổi xanh gồm chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi xanh chia sẻ, đầu tư công nghệ năng lượng trước hết là để tiết kiệm chi phí, do đó, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao ý thức tiết kiệm từ những hành động nhỏ nhất. Năng lượng là chi phí đầu vào, để tiết kiệm và phát triển toàn diện, các doanh nghiệp cần tối ưu ngay từ đầu vào. Hiện, có rất nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu năng lượng, chỉ cần doanh nghiệp có kế hoạch, sẽ luôn có người đồng hành.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương thực hiện tốt mô hình chuyển đổi số, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Thái Lan của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, chương trình đã hỗ trợ cho nhiều dự án, trong đó cho vay 76 tỷ USD đối với công trình xanh.

Các doanh nghiệp chuyển đổi xanh đang được hỗ trợ lớn, có nhiều cơ hội, cho nên doanh nghiệp nào tiên phong chuyển đổi xanh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Doanh nghiệp cần chứng minh được mức hiệu quả tốt hơn so với các cơ sở tại địa phương, phải được xác nhận xanh của bên thứ ba độc lập cùng báo cáo chi tiết về tính hiệu quả với môi trường.

Đánh giá về các hoạt động của những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, các giải pháp công nghệ, xu thế mới đã làm rõ bức tranh tổng quan về chính sách, chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để cơ quan quản lý xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức trong nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này thời gian tới.